Chuyển đến nội dung chính

Bất ngờ với đàn vạc hàng trăm con ở vườn nhãn

Mặc dù đàn vạc trú ngụ trong vườn nhãn làm thiệt hại năng suất và cũng gây cho ông không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai Chìa cũng chấp nhận.

Theo hướng dẫn của anh Võ Văn Hồng- Cảnh sát Môi trường tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Chìa (Hai Chìa, 64 tuổi) ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ- Trà Ôn. Tại đây, tôi được ông Hai Chìa dẫn ra vườn nhãn để tận mắt xem đàn vạc khoảng vài trăm con đậu và làm tổ trên vườn nhãn của ông và người cháu kế bên- anh Lê Phước Đại. Trên tổng diện tích 2,4 ha, đàn vạc đã trú ngụ từ 3 năm nay.

Bất ngờ với đàn vạc hàng trăm con ở vườn nhãn

Lần theo bước chân nhẹ nhẹ của ông Hai đi vòng quanh khu vườn nhãn, chúng tôi thấy dưới đất trải đầy phân chim, trên những nhánh nhãn thì san sát những tổ chim lớn. Vào đến giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn như con cò và có màu xám ngắt bay ra kêu “oạc… oạc…”. Ông Hai khẳng định đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.
Ông Hai Chìa kể, khoảng năm 2009, vườn nhãn nhà ông bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu ông nghĩ chúng trú tạm thời gian ngắn rồi đi, nhưng do ông cũng quý đàn chim này nên canh giữ không cho ai bắn phá. Như hiểu được tấm lòng của ông, chúng trú ngụ đến nay và ngày một sinh sôi với số lượng đến nay chắc đã hơn 10 lần lúc mới đến.
Mặc dù đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn đã làm thiệt hại năng suất nhãn rất nhiều và cũng gây cho ông không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai cũng chấp nhận.

Khi mùa nhãn ra hoa, ông và người cháu muốn tưới thuốc, rải phân thì phải làm vào ban đêm. Lúc đó, đàn vạc đi ăn đêm, nên không sợ động khiến chúng di cư nơi khác. Đến khi nhãn ra trái đến ngày thu hoạch thì cũng phiền phức không kém, vì sợ làm động đàn vạc, ông và người cháu phải hái trái từng cây một và thu hoạch cuốn chiếu, hết liếp này mới qua liếp khác. Việc hái nhãn cũng hết sức nhẹ nhàng, ra vườn không ai nói chuyện lớn tiếng.

Vợ ông Hai Chìa- bà Lê Kim Thôi nói: “Mặc dù đàn chim trú ngụ gây khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhất là việc giữ gìn đàn chim không cho người khác vào vườn bắn phá hết sức vất vả, nhưng mỗi buổi chiều nhìn thấy đàn chim bay đi ăn thấy rất vui”.
Việc chăm sóc nhãn sao cho tránh làm động đàn chim đã là một việc vất vả, nhưng việc lớn hơn là gìn giữ đàn chim tránh người săn trộm.
Ông Hai cho biết: Vợ chồng ông có 3 người con, cho đi học đại học xong rồi bám lại làm việc trên các thành phố. Ông bà sống thui thủi, may mà có thằng cháu kế bên chạy qua chạy lại giúp đỡ... Từ khi có đàn chim về trú ngụ đến nay, ông không dám đi đâu xa. Suốt ngày đêm, ông cùng người cháu- anh Đại phải canh chừng, có người vô vườn là đuổi ra hoặc người vào săn trộm bằng súng hơi thì phải rượt đuổi ngay.

Từ việc ông và người cháu ra sức giữ gìn đàn chim, những người săn trộm gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước…”, thậm chí ghét bỏ, nhưng hai người vẫn nặng lòng với đàn chim.
Người săn trộm có rất nhiều cách săn, nhưng chủ yếu họ dùng súng hơi. Ban ngày họ lẻn vào vườn mục kích bắn chim, vì ban ngày chim ngủ trên cây nhãn, cây so đũa… trong vườn. Buổi chiều, khi trời vừa nhá nhem tối thì họ mục kích lúc đàn chim bay ra với số lượng đông và dày để tha hồ bắn. Có nhiều con bị trúng đạn phải bay vòng về chỗ đậu và rớt xuống chết tại vườn hết sức thảm thương.

Trước việc đàn chim bị săn trộm ngày một nhiều, vì người ở xa biết được cũng đến săn trộm nên ông Hai Chìa đã báo cho công an xã và Cảnh sát Môi trường tỉnh. Ngày 15-7 vừa qua, Cảnh sát Môi trường tỉnh phối hợp với ngành chức năng và Công an xã Tân Mỹ đến khảo sát để có kế hoạch bảo vệ đàn chim.

Anh Võ Văn Hồng- Cảnh sát Môi trường tỉnh cho biết: Theo được biết, đây là con vạc, nhưng có phải là động vật có trong Sách Đỏ hay không thì cần phải có giám định của nhiều cơ quan chức năng. Trước mắt, yêu cầu Công an xã Tân Mỹ có kế hoạch hỗ trợ ông Hai Chìa bảo vệ đàn vạc này và chờ ý kiến của các ngành chức năng xác định rõ loài chim này.

Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt bừa bãi. Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc cũng ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Đối với ông Hai Chìa, vạc có phải là loài trong Sách Đỏ hay không cũng vậy. Với ông, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít, đáng được bảo vệ và cần thiết phải bảo vệ.

Theo Hùng Hậu (Vĩnh Long Online)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Góp sức giúp bác Hai Chìa bảo vệ đàn chim

Wow luôn là tiếng nói đầu tiên của du khách khi lần đầu ghé thăm Vườn chim Hai Chìa Năm 2021 lần đầu Chị Hà Kin thấy bản tin của bác Hai Chìa trên VTV1, quá xúc động và chị đã có những tìm hiểu, xác minh và ra sức giúp đỡ bác Hai Chìa bảo vệ đàn chim một cách tự nguyện và phi lợi nhuận Lời kêu gọi đầu tiên từ chị Hà Kin ( https://www.facebook.com/hakinkin ) đã được nhiều người yêu thiên nhiên và môi trường hưởng ứng và bắt đầu nhận được sự đóng góp từ mạnh thường quân từ ngày 2.4.2021 Dưới đây là tổng hợp các bài viết kêu gọi đóng góp ủng hộ bác Hai bảo vệ đàn chim được đăng trên Facebook của chị Hà Kin (Bài viết được sắp xếp theo thứ tự từ mới đến cũ) 65. TẠM BIỆT 2024 VÀ CHÀO 2025 Cho kết thúc năm cũ, chúc mừng năm mới bằng lời cảm ơn từ Vườn chim Hai Chìa nhé! Nay vườn chim của bác Hai có kỷ lục là có tới 6 cô tình nguyện viên nữ cùng lúc. Chỉ tiếc là hai mẹ con chị Phương đã kết thúc “nhiệm kỳ’ vào sáng nay và chiều bạn Thế mới tới nên không đầy đủ đội hình để cho ông Hai có tấm ả...

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021

Được tin nhóm thiện nguyện dự tính quyên góp hỗ trợ gia đình nhà bác Hai Chìa, chủ vườn chim quý tại Vĩnh Long làm hàng rào bảo vệ chim, mình đã có dịp ghé ngang qua làm tiền trạm và tổng kết được một ít thông tin sau sau khi bàn chuyện với bác hai để nhóm thiện nguyện lên kế hoạch ủng hộ bác làm tường rào Vị trí khu vườn GPS vị trí:  https://goo.gl/maps/BTfZsN5vmaxvugcHA Khu vườn bác Hai Chìa rộng 2 ha (20.000 m2) nằm cạnh đường nhựa Số 2 (xe 16 chỗ đi được) khoảng 200 m, chỉ có thể vào bằng xe máy hoặc đi bộ. Khu đất khá vuông vức, bề dài các cạnh khoảng 200 m,  200 m mặt tiền phía trước khu đất (cổng vào) tiếp xúc với đường dân sinh rộng 2 m, là đường đi chung của các hộ trong khu vực, do đó từ vị trí này, kẻ gian dễ dàng quan sát và hại chim. --> Làm tường cao 3m để bảo vệ, che tầm nhìn, giảm khả năng xâm nhập và săn bắn. Tuỳ tình hình tài chính, có thể làm bằng lưới B40, có chân gạch betong, tổng chiều cao 3m, có khung sắt bao lưới B40, phía trên cùng là lớp ...

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Một nhà vườn khi không có đất để canh tác mà dành đất làm nơi trú ngụ cho chim ở, thì nguồn thu ắt hẳn không thể đến từ nông nghiệp Mình xin mạnh dạn gợi ý bác làm điểm dừng chân để ngắm chim cho các đoàn khách quan tâm vào lúc bình minh hay hoàng hôn, thời điểm mà chim về nhiều và ánh sáng đẹp để chụp hình Vào những khung giờ khác thì vẫn nhận khách vào tham quan vườn, và trải nghiệm đi bộ một vòng quanh vườn để tận mắt thấy công cuộc bảo vệ nhà cho vườn chim là như thế nào. Vé vào cổng tuỳ lòng hảo tâm và là nguồn thu chính cho bác để bác tiếp tục bảo vệ và nuôi dưỡng vườn chim Gợi ý lịch trình di chuyển, tham quan Từ tphcm bạn có thể đi theo hai hướng để đến vườn chim Hai Chia. Một là đi qua Vĩnh Long, Ô Môn, rồi đến vườn. Hai là đi qua Bến tre rồi đến vườn. Trung bình 180 km, đi 4 tiếng Nếu bạn đã có mặt ở Cần Thơ, thì buổi chiều trên đường về tphcm bạn có thể ghé thăm vườn chim Hai Chìa, vị trí vườn khá thuận đường, sau đó đi theo hướng Bến Tre rồi về lại tphcm. Lưu ý buổi chiều c...