Đau đáu vườn chim trời Tân Mỹ

BVR&MT – Trong lúc người người bảo nhau “tấc đất, tấc vàng” thì tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã có một lão nông 75 tuổi đã hy sinh 20.000 mét vuông đất để hình thành nơi cư trú của hàng chục ngàn loại chim, cò thiên nhiên tìm về trú ẩn với mong muốn bảo tồn, phát triển đàn chim trời đông đảo này. Người khen thì nhiều nhưng người chê bai, dè bỉu cũng không ít. Thế nhưng suốt 14 năm qua, ông vẫn miệt mài đeo bám với công việc thầm lặng của mình bằng tấm lòng bao dung rất lạ.

Đau đáu vườn chim trời Tân Mỹ

Duyên nợ với chim trời


Theo chân ông Lê Văn Chìa (Hai Chìa) len lõi vào những khu vườn rậm rạp to rộng đang là nơi di trú, sinh hoạt, sinh sản của hàng ngàn cò, vạc, cồng cọc, chúng tôi khá vất vả bởi lão nông này di chuyển rất nhanh nhẹn qua các mương vườn, cầu khỉ, bụi rậm dây giăng ùm tùm. Trên đầu chúng tôi là hàng ngàn chim trời nghe tiếng động kéo nhau bay đi đen kín bầu trời với những tiếng kêu như kêu cứu vì hốt hoảng bởi sự có mặt của người lạ.

Ông Chia kể lại: “Năm 2006 bỗng dưng có hàng ngàn con vạc, cồng cộc kéo về làm tổ trên 20 công vườn nhãn da bò của tôi. Thấy vậy tôi đã dùng nhiều biện pháp để đuổi chúng đi nhưng thật kỳ lạ là càng đuổi thì chúng kéo nhau về càng nhiều. Lần này chúng “ rủ” thêm hàng ngàn cò trắng, cò ốc về theo. Tôi bàn với gia đình chắc “đất lành chim đậu” nên không xua đuổi nữa. Ngược lại tôi còn tìm mọi cách để chúng tự do bay nhảy, trú ẩn, sinh sản và không để bọn xấu tấn công. Mới đó đã 14 năm rồi”.

Ông Chìa nói thêm, ban đầu vùng này ai cũng nói ông làm chuyện bao đồng bởi 20 công nhãn hàng năm đã giúp gia đình ông có lãi hàng trăm triệu đồng, từ khi ông thành lập “vương quốc chim trời” thì con số này đã là con số không bởi sự có mặt của hàng chục ngàn cò, vạc, cồng cộc…khiến hầu như toàn bộ cây ăn trái của ông bị thất thu do chúng cắn phá, làm tổ, bài tiết chất thải. Biết vậy nhưng thấy chúng không nơi cư trú an toàn nên ông đã chọn lựa phương án hy sinh lợi ích kinh tế của gia đình.

Nỗi lo chồng chất nỗi lo bởi những năm gần đây, phát hiện lượng chim cò đến vườn ông quá nhiều, nhiều kẻ xấu đã tổ chức săn bắn chúng ban ngày lẫn ban đêm với tốc độ ngày càng nhiều, lượng người tham gia ngày càng đông, thủ đoạn tinh vi hơn, trắng trợn hơn. Thậm chí chúng còn dùng hung khí tấn công ông Chìa khi bị phát hiện truy đuổi; chúng dùng nhiều loại bẫy chim độc hại, súng săn cùng các phương tiện săn bắt khác để bắt chim trời khiến ông phải vất vã đối phó ngày đêm khi tuổi cao, sức yếu, thế cô. Thế nhưng với lòng yêu thiên nhiên, yêu chim muông đã giúp lão nông miệt vườn giữ vững khu cư trú này cho đến hôm nay.

Xin đừng để lão nông đơn độc


Lúc chúng tôi đến tham quan tìm hiểu về khu vườn độc đáo có một không hai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tính đến ngày hôm nay, tiếp chuyện với chúng tôi trong tâm trạng lo lắng, bà Lê Thị Thôi, 73 tuổi, người bạn đời của ông Chìa bức xúc nói: “Nhà tôi quá đơn chiếc, chỉ còn đôi vợ chồng già, khu vườn quá rộng lớn giờ chỉ để cho chim về ở, đâu có thu nhập gì khác. Đã vậy, ban đêm nghe tiếng kêu của chim cò, vạc là “ổng” xách đèn đi tuần tra bất kể mưa gió, mình không làm vậy bọn bất lương sẽ vô vườn tàn sát hết chim cò thì tội lắm. Mấy đêm rồi, tôi mới xuất viện về nhà sau khi điều trị bệnh nan y, vậy mà có yên đâu, cơm nước xong là “ổng” ra chòi ngủ để giữ chim cò. Cứ cái đà nầy thì khó lòng giữ mãi”.

Theo lời kể của ông Chìa, từ năm 2010, số lượng chim cò trong vườn nhà ông khoảng 3.000 con; năm 2015 tăng lên 8.000 con; hiện nay đã trên 13.000 con, trong đó nhiều nhất là cò trắng ( chiếm tỉ lệ 50%); vạc ( 25%); cồng cộc ( 15%); cò ốc ( 10%). Ngoài ra còn một số loài khác như: bìm bịp, quốc…Để bảo vệ an toàn cho đàn chim trời, ông Chìa đã tự chế tạo hệ thống báo động bằng các vỏ lon bia, lon sữa bò nối với các dây dẫn bố trí xung quanh khu vườn. Ban đêm mỗi khi bọn xấu vào săn bắt vướng phải dây làm các vỏ lon phát ra các âm thanh báo động. Nghe tiếng kêu, ông sẽ nhanh chóng đến các điểm “nóng” để ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết hại.

Chúng tôi rất ngạc nhiên về sự am tường tập quán sống, sinh sản, thời gian đi về, làm tổ của từng loại chim trời của lão nông Lê Văn Chìa. Ông còn là “bà đỡ” của nhiều chim trời khi sinh sản để “mẹ tròn con vuông”. Những lúc rảnh rỗi thời gian, ông còn tự đánh bắt cá dưới sông rạch, xay nhuyễn cùng trái cây để tăng thêm khẩu phần ăn cho những chú chim non.

Ông Chìa kể thêm, Cồng cộc là loại “háu ăn” nhiều nhất; cò trắng thì rất hiền lành; Cò Ốc thì hay mắc cở; Vạc thì ăn rất ít. Thời gian đi lại thì trái ngược nhau. Thông thường khoãng 7 giờ sáng là chúng bay đi kiếm ăn đến 14 giờ thì quay về tổ. Riêng Vạc thì khoãng 18 giờ mới bay đi ăn đêm đến 6 giờ sáng mới quay về. Về trọng lượng thì cò ốc chiếm ưu thế với từ 1 đến 1,5 kg/con; các loại khác từ 700 g đến 1kg.

Điều trăn trở lớn nhất của ông Chìa hiện nay là sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng có liên quan để bảo vệ tuyệt đối đàn chim trời đi kèm với những nghiên cứu về động vật, về môi trường, sinh thái. Cụ thể là ngành Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường; khoa học công nghệ…cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng tận diệt chim trời như hiện nay. Điều may mắn là mới đây biết được tấm lòng của ông Chìa và để góp phần giúp ông có điều kiện bảo vệ tốt hơn đàn chim, một tấm lòng vàng tại TP.HCM đã đến hỗ trợ trên 100 triệu đồng giúp ông rào chắn một phần khu vườn.

Ông Chìa cho biết thêm: “Tôi đã đi gõ cửa rất nhiều cơ quan để đề nghị hỗ trợ các biện pháp bảo vệ chúng, nhiều đoàn đã đến khảo sát, ghi nhận nhưng rồi vẫn không thấy tín hiệu phãn hồi trong khi bọn bất lương đang ra sức tận diệt chim trời mà tôi thì lực bất tòng tâm về sức khỏe lẫn tài chính”.

Nên chăng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tiềm năng rất lạ lẫm, hấp dẫn, quý hiếm trên khu vườn của lão nông Hai Chìa không bị mai một theo thời gian. Điều quan trọng hơn hết là động thái ghi nhận, tôn vinh một tấm lòng vì cộng đồng của một lão nông chân chất đã hy sinh những quyền lợi riêng tư để bảo vệ chim trời. Và cũng cần lắm một sự hỗ trợ từ cộng đồng giúp ông có thêm kinh phí hoàn thành toàn bộ khu vực lẫn chòi gác tiện quan sát để ông bớt vất vã tuần tra khi tuổi đã bước sang độ 75.

Trương Thanh Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét