Chuyển đến nội dung chính

Lão nông mê chim trời

Những năm tháng bám vườn mưu sinh khiến lão nông Hai Chìa (Lê Văn Chìa, 74 tuổi, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), có dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ cùng đôi tay chai sần. Rồi như định mệnh, những con chim trời bay về trú ngụ trong vườn; vườn cây xơ xác không còn cho thu hoạch, cuộc sống càng thêm khó khăn, nhưng ông nói: “Đã trót mê nó rồi…”.

Lão nông mê chim trời

Đất lành chim đậu


Hôm chúng tôi đến thăm, tiếng chim, cò ra rả không ngớt ngoài vườn nhãn, măng cụt giờ gần như hoang phế. Bà Hai Thôi đợi chồng đi chợ mua đồ về chuẩn bị bữa cơm sáng. Nghe tiếng xe máy lạch tạch ngoài ngõ, bà nói: “Ổng về, có đồ ăn”. Tay cầm bọc hủ tiếu dành cho vợ, tay bọc trứng vịt, nụ cười hiền trên môi, ông nói: “Vợ chồng già ăn gì mà chả được, chỉ lo cho “tụi nhỏ” ngoài vườn sau này không chỗ đậu”. Mấy bó tràm chất trên xe được ông nhanh chóng ôm vào và mang ra vườn. “Mua về trồng liền, để nó héo, mất thêm thời gian phục hồi, cây sẽ chậm lớn. Nhãn, cây tạp trong vườn giờ còi cọc, nếu chúng chết, cây tràm còn kịp lớn để chim đậu”- ông nói.

Những phút nghỉ ngơi, bên ấm trà nóng, ông tâm sự, không biết mình mê đàn chim này từ lúc nào. Chỉ biết năm 2006, tự nhiên trong vườn nhãn bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu, ông nghĩ, chúng trú tạm rồi bay đi. Nhưng bất ngờ chúng không đi mà lại bay về ngày càng nhiều hơn và cứ thế sinh sôi nảy nở. “Lúc đó tôi nghĩ có lẽ đất lành chim đậu. Chúng thích mảnh đất này nên về đây ở, thôi mình cứ giữ và bảo vệ chúng. Nếu mình xua đuổi, chúng sẽ đi đâu”- ông Hai Chìa kể.

Vậy là từ đó, mỗi ngày cứ khoảng 5-6 giờ sáng, khu vườn của ông Hai Chìa lại rộn ràng tiếng chim. Trên trời, từng đàn vạc bay về, tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc, oạc làm xôn xao cả góc vườn. Cũng vì yêu quý động vật hoang dã, gia đình ông Hai Chìa quyết định bảo tồn đàn chim. Lúc đầu, vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn, khiến cây giảm năng suất khoảng 20-30%. Thời gian dần trôi, số lượng đàn tăng nhanh, rồi thêm các loại chim, cò khác về trú ngụ, cây cối lụi dần, đến nay vườn nhãn hoàn toàn thiệt hại, coi như ông Hai Chìa mất trắng.

Từ những con vạc, câu chuyện về “tụi nhỏ” - theo cách gọi của ông - nối tiếp với đám cồng cộc, cò trắng và gần đây là cò ốc. Nghe ông say sưa kể về tập tính cho đến tổng số đàn, ai cũng cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho đàn chim trời này lớn đến mức nào. Ông nói: “Ngày xưa, khi chưa có chim trời bay về đây trú ngụ, vườn nhãn, măng cụt trái xum xuê giúp tôi nuôi các con ăn học. Nay vì đàn chim trời này mà gia đình tôi thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng chỉ để giữ sự bình yên cho chúng”.

Còn sức, còn giữ đàn chim


Từ ngày vườn cây đặc sản của ông Hai Chìa thành vườn chim, cuộc đời của ông như sang trang mới với khó khăn chồng chất và cả hiểm nguy rình rập. Ngoài canh giữ không cho người khác phá hại chim, ông còn chăm sóc cả “miếng ăn, giấc ngủ” của chúng như những đứa con. Ông còn làm thêm mấy cái dớn dưới sông để hằng ngày bắt thêm cá, tép mang ra vườn thả cho chim ăn. Khu vườn cây trái xum xuê ngày nào giờ chỉ còn những cây nhãn, măng cụt còi cọc, chằng chịt dây leo. Len lỏi trong đó là những lối mòn mà chỉ có ông và vợ âm thầm men theo để theo dõi đàn chim. Cái máng xối từ căn nhà của người cháu kế bên được ông Hai Chìa che chắn tạm bằng những tấm lá chằm bằng dừa nước để làm ụ gác trên cao. Bên trong, ông giăng tạm cái mùng cũ kỹ để chống lại lũ muỗi đói mỗi khi đêm về. Còn phía xa, tại các góc vườn, ven những lối mòn là những căn chòi tạm được mắc võng sẵn để khi đi tuần, mệt thì ông nghỉ chân. Ngày này qua tháng khác, đến nay đã gần 14 năm một mình ông Hai Chìa lủi thủi với những “đứa con tinh thần”.

Mấy năm gần đây, gia đình ông Hai Chìa lại càng thêm vất vả khi khu vườn của gia đình thường xuyên bị người khác vào bắt trộm chim. Những con lớn thì bị bắn, ổ thì bị họ dùng cây chọc lấy trứng và bắt chim ra ràng. Nhiều lúc ra thăm vườn, thấy xác chim nằm chết, lòng ông đau quặn thắt. Vì vậy, ông ngày đêm không ngại nắng mưa, tuổi già vẫn canh giữ, quyết tâm bảo vệ đàn chim.

Theo chân ông, chúng tôi đi một vòng vườn cây ăn trái giờ đã như một vườn hoang, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt nhưng tiếng chim, cò lại kêu vang cả một góc trời. “Tôi đã ghi chép kỹ tổng số đàn hiện có khoảng 13.000 con. Trong đó cò ốc khoảng 4.000 con, vạc 2.000 con, cồng cọc 1.000 con, còn lại cò trắng, bìm bịp, tu hú, quốc…” - ông Hai Chìa nhẩm tính. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, ông Hai Chìa nói: “Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó, trộm vào là tôi biết ngay”. Để chủ động phòng những kẻ trộm chim, theo các lối mòn trong vườn là những cái bẫy được ông giăng sẵn, chằng chịt. Kẻ trộm khi vô vườn vướng phải bẫy sẽ phát ra âm thanh báo động để chim bay đi hoặc ông nghe, kịp thời chạy ra ứng cứu.

Theo kinh nghiệm của ông Hai Chìa, ban đêm, nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là đàn chim lập tức “kêu cứu”. Lúc này, bất kể trời mưa hay nắng, ông Hai Chìa lập tức xách đèn, ná thun ra bắn đuổi trộm đi. Trong lúc đi thăm vườn, có những con vạc bị thương do trộm bắn, ông mang vô nhà nuôi dưỡng đến khi chúng bay được. Ông Hai Chìa nói, nhiều năm rồi, chưa đêm nào ông ngủ đủ giấc. Ngoài những lúc đi tuần, hễ nghe tiếng động, tiếng chim kêu lớn ngoài vườn là ông lại chạy ra. Bà Hai Thôi kể: “Trộm rình bắt chim nhiều lắm, ông nhà tôi lớn tuổi một mình đêm hôm nhiều lần đối mặt với bọn chúng, tôi lo lắm”. Tay cầm cái nón bảo hiểm, ông Hai Chìa chỉ cho chúng tôi vết tích trong một lần chạm trán với bọn săn trộm chim. “Đêm đó chúng đi 2 tên, một tên dưới đất, 1 tên trên cây. Nghe chim kêu, tôi ra thì tên dưới đất bỏ chạy, còn tên phía trên bắn vào tôi làm lủng cả nón bảo hiểm. Nếu không có cái nón này, giờ chưa biết tôi còn ngồi đây không nữa” - ông Hai Chìa kể.

Ông Hai bỏ lửng câu nói, bởi những hiểm nguy đó, bản thân ông đã nhiều lần đối mặt. Nhưng, như lời tâm sự rất thật của ông: “Đã trót mê nó rồi”, ông lại tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đàn chim. Thời gian qua, đại diện xã và Chi cục Kiểm lâm cũng đến khảo sát, nhưng chưa phát hiện có loài nằm trong sách đỏ. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã lập dự án, đề án bảo tồn khu vườn của ông Hai Chìa như một khu sinh thái tự nhiên. UBND xã Tân Mỹ cũng coi việc làm của ông là một hành động đẹp bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài vật trước nạn săn bắt tận diệt nên đã yêu cầu Công an hỗ trợ ông Hai Chìa chống lại nạn săn bắt trộm.

Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt bừa bãi của con người. Như những loài khác, nhiều loài chim dần vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Còn với ông Hai Chìa, dù thiệt hại và hiểm nguy nhưng ông vẫn quyết bảo vệ đàn chim. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim nhưng không biết kéo dài được bao lâu. Sợ đến lúc tôi không còn bảo vệ nổi thì đàn chim này cũng sẽ không còn” - ông Hai Chìa nói mà giọng buồn hiu.

Bình Nguyên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Góp sức giúp bác Hai Chìa bảo vệ đàn chim

Wow luôn là tiếng nói đầu tiên của du khách khi lần đầu ghé thăm Vườn chim Hai Chìa Năm 2021 lần đầu Chị Hà Kin thấy bản tin của bác Hai Chìa trên VTV1, quá xúc động và chị đã có những tìm hiểu, xác minh và ra sức giúp đỡ bác Hai Chìa bảo vệ đàn chim một cách tự nguyện và phi lợi nhuận Lời kêu gọi đầu tiên từ chị Hà Kin ( https://www.facebook.com/hakinkin ) đã được nhiều người yêu thiên nhiên và môi trường hưởng ứng và bắt đầu nhận được sự đóng góp từ mạnh thường quân từ ngày 2.4.2021 Dưới đây là tổng hợp các bài viết kêu gọi đóng góp ủng hộ bác Hai bảo vệ đàn chim được đăng trên Facebook của chị Hà Kin (Bài viết được sắp xếp theo thứ tự từ mới đến cũ) 65. TẠM BIỆT 2024 VÀ CHÀO 2025 Cho kết thúc năm cũ, chúc mừng năm mới bằng lời cảm ơn từ Vườn chim Hai Chìa nhé! Nay vườn chim của bác Hai có kỷ lục là có tới 6 cô tình nguyện viên nữ cùng lúc. Chỉ tiếc là hai mẹ con chị Phương đã kết thúc “nhiệm kỳ’ vào sáng nay và chiều bạn Thế mới tới nên không đầy đủ đội hình để cho ông Hai có tấm ả...

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021

Được tin nhóm thiện nguyện dự tính quyên góp hỗ trợ gia đình nhà bác Hai Chìa, chủ vườn chim quý tại Vĩnh Long làm hàng rào bảo vệ chim, mình đã có dịp ghé ngang qua làm tiền trạm và tổng kết được một ít thông tin sau sau khi bàn chuyện với bác hai để nhóm thiện nguyện lên kế hoạch ủng hộ bác làm tường rào Vị trí khu vườn GPS vị trí:  https://goo.gl/maps/BTfZsN5vmaxvugcHA Khu vườn bác Hai Chìa rộng 2 ha (20.000 m2) nằm cạnh đường nhựa Số 2 (xe 16 chỗ đi được) khoảng 200 m, chỉ có thể vào bằng xe máy hoặc đi bộ. Khu đất khá vuông vức, bề dài các cạnh khoảng 200 m,  200 m mặt tiền phía trước khu đất (cổng vào) tiếp xúc với đường dân sinh rộng 2 m, là đường đi chung của các hộ trong khu vực, do đó từ vị trí này, kẻ gian dễ dàng quan sát và hại chim. --> Làm tường cao 3m để bảo vệ, che tầm nhìn, giảm khả năng xâm nhập và săn bắn. Tuỳ tình hình tài chính, có thể làm bằng lưới B40, có chân gạch betong, tổng chiều cao 3m, có khung sắt bao lưới B40, phía trên cùng là lớp ...

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Một nhà vườn khi không có đất để canh tác mà dành đất làm nơi trú ngụ cho chim ở, thì nguồn thu ắt hẳn không thể đến từ nông nghiệp Mình xin mạnh dạn gợi ý bác làm điểm dừng chân để ngắm chim cho các đoàn khách quan tâm vào lúc bình minh hay hoàng hôn, thời điểm mà chim về nhiều và ánh sáng đẹp để chụp hình Vào những khung giờ khác thì vẫn nhận khách vào tham quan vườn, và trải nghiệm đi bộ một vòng quanh vườn để tận mắt thấy công cuộc bảo vệ nhà cho vườn chim là như thế nào. Vé vào cổng tuỳ lòng hảo tâm và là nguồn thu chính cho bác để bác tiếp tục bảo vệ và nuôi dưỡng vườn chim Gợi ý lịch trình di chuyển, tham quan Từ tphcm bạn có thể đi theo hai hướng để đến vườn chim Hai Chia. Một là đi qua Vĩnh Long, Ô Môn, rồi đến vườn. Hai là đi qua Bến tre rồi đến vườn. Trung bình 180 km, đi 4 tiếng Nếu bạn đã có mặt ở Cần Thơ, thì buổi chiều trên đường về tphcm bạn có thể ghé thăm vườn chim Hai Chìa, vị trí vườn khá thuận đường, sau đó đi theo hướng Bến Tre rồi về lại tphcm. Lưu ý buổi chiều c...