Cập nhật quỹ ủng hộ gia đình Bác Hai Chìa - 13.4.2021

Hiện tại, tới lần cuối screenshot ( (‪17:52‬ ngày 13/4), tài khoản của các bạn gửi ủng hộ xây dựng hàng rào vào tài khoản của chị Thùy Anh đã nhận được số tiền là: 101.220.520 VND Tài khoản Paypal và Venmo bên Mỹ (tính tới ‪14:00‬ ngày 13/4) là: USD 1465.08. Số tiền này mình sẽ chia theo đúng notes các bạn kèm theo, tiền nào là hàng rào sẽ vào quỹ hàng rào, của hai bác sẽ gửi cho hai bác, của ai gửi chung sẽ chia đôi!
Còn hai bác thì tính tới ‪8h35‬ phút sáng ngày ‪12/4‬ hai bác nhận được 99.565.797 VND vào Vietinbank và 30.240.214 VND vào Agribank.


* Ủng hộ trực tiếp vào tài khoản của bác Hai Chìa
Lê Văn Chìa, 106873034796. Vietinbank, PGD Trà Ôn, Vĩnh Long
Hoặc
Lê Văn Chìa
Agri bank (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn), chi nhánh huyện Trà Ôn, Vĩnh Long
Stk: 7305205297284
* Tài khoản ủng hộ xây dựng hàng rào
Vũ Thùy Anh
Techcombank Gia Định: 11621179682016
Nếu ở nước ngoài, thì gửi Paypal nhé, bạn ghi rõ tên và mục đích chuyển tiền (gửi bác 2 Chìa/Xây hàng rào, hay cả hai đều được):
Paypal: wellspchen@yahoo.com
Ai Venmo thì nhắn tin cho mình mình gửi code cho nhé!
Cần trao đổi bất cứ điều gì, bạn cứ nhắn tin cho HK nhé, please!
#bác2Chìa (mọi thông tin và các bài viết về bác các bạn cứ vào hashtag này)

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Một nhà vườn khi không có đất để canh tác mà dành đất làm nơi trú ngụ cho chim ở, thì nguồn thu ắt hẳn không thể đến từ nông nghiệp

Mình xin mạnh dạn gợi ý bác làm điểm dừng chân để ngắm chim cho các đoàn khách quan tâm vào lúc bình minh hay hoàng hôn, thời điểm mà chim về nhiều và ánh sáng đẹp để chụp hình

Vào những khung giờ khác thì vẫn nhận khách vào tham quan vườn, và trải nghiệm đi bộ một vòng quanh vườn để tận mắt thấy công cuộc bảo vệ nhà cho vườn chim là như thế nào. Vé vào cổng tuỳ lòng hảo tâm và là nguồn thu chính cho bác để bác tiếp tục bảo vệ và nuôi dưỡng vườn chim

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim


Gợi ý lịch trình di chuyển, tham quan

Từ tphcm bạn có thể đi theo hai hướng để đến vườn chim Hai Chia. Một là đi qua Vĩnh Long, Ô Môn, rồi đến vườn. Hai là đi qua Bến tre rồi đến vườn. Trung bình 180 km, đi 4 tiếng

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Nếu bạn đã có mặt ở Cần Thơ, thì buổi chiều trên đường về tphcm bạn có thể ghé thăm vườn chim Hai Chìa, vị trí vườn khá thuận đường, sau đó đi theo hướng Bến Tre rồi về lại tphcm. Lưu ý buổi chiều chim thường bay về từ 3h - 6h chiều

Góp sức giúp bác Hai biến vườn chim thành điểm đến du lịch ngắm chim

Điểm tham quan này phù hợp với

  • Nhóm bạn yêu thích chim, động vật hoang dã
  • Nhóm nhiếp ảnh gia chụp chim
  • Nhóm thiện nguyện yêu môi trường

Liên hệ bác Hai Chìa

GPS vị trí: https://www.google.com/maps?q=loc:9.964464,105.9813917
Lưu ý: Đường số 2 khá nhỏ, xe 16 chỗ đi được
Số điện thoại bác Hai Chìa: 0918.326.444

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021

Được tin nhóm thiện nguyện dự tính quyên góp hỗ trợ gia đình nhà bác Hai Chìa, chủ vườn chim quý tại Vĩnh Long làm hàng rào bảo vệ chim, mình đã có dịp ghé ngang qua làm tiền trạm và tổng kết được một ít thông tin sau sau khi bàn chuyện với bác hai để nhóm thiện nguyện lên kế hoạch ủng hộ bác làm tường rào

Vị trí khu vườn

GPS vị trí: https://goo.gl/maps/BTfZsN5vmaxvugcHA

Khu vườn bác Hai Chìa rộng 2 ha (20.000 m2) nằm cạnh đường nhựa Số 2 (xe 16 chỗ đi được) khoảng 200 m, chỉ có thể vào bằng xe máy hoặc đi bộ. Khu đất khá vuông vức, bề dài các cạnh khoảng 200 m, 

200 m mặt tiền phía trước khu đất (cổng vào) tiếp xúc với đường dân sinh rộng 2 m, là đường đi chung của các hộ trong khu vực, do đó từ vị trí này, kẻ gian dễ dàng quan sát và hại chim. --> Làm tường cao 3m để bảo vệ, che tầm nhìn, giảm khả năng xâm nhập và săn bắn. Tuỳ tình hình tài chính, có thể làm bằng lưới B40, có chân gạch betong, tổng chiều cao 3m, có khung sắt bao lưới B40, phía trên cùng là lớp bùi nhùi làm giảm khả năng xâm nhập. Sau đó nếu muốn giảm tầm nhìn thì treo trên lưới B40 một lớp lưới Thái để giảm tầm nhìn từ ngoài vào nhưng vườn vẫn thông thoáng. Lưới này có khả năng bền trên 5 năm

Căn nhà gia đình bác Hai Chìa đang ở nằm ở sát góc trái của khu đất, còn lại khu vực chim đậu nhiều nhất là từ giữa đến góc phải của khu đất, khu vực này xa nhà bác hai và dễ bị xâm nhập --> Cạnh 200 m bên góc trái vườn này tường chỉ cần làm bằng tường lưới B40 cao 3m (cách như trên)

Sát góc phải của khu đất là một nhà của hàng xóm, có những than phiền của hàng xóm về tiếng ồn và mùi của chim. Ngoài ra hàng xóm cũng hay hát karaoke cũng có khả năng ảnh hưởng chim. --> Mình gợi ý khúc này có thể làm tường từ đường dân sinh đến hết khu nhà ở của nhà bên cạnh, khoảng 50 m. Tuỳ tình hình có thể làm tường bằng tôn, hoặc xây gạch, hoặc làm bằng lưới B40, có chân gạch betong, tổng chiều cao 3m, có khung sắt bao lưới B40, phía trên cùng là lớp bùi nhùi làm giảm khả năng xâm nhập

Cạnh phía sau khu vườn nhà bác Hai là vườn cây nhà hàng xóm, khu vực này cũng hay bị xâm nhập, mình vẫn tường chỉ cần làm bằng tường lưới B40 cao 3m (cách như trên)

Thật ra cả khu vườn bác Hai đã rào bằng lưới B40 rồi, nhưng chỉ cao 1.5 m và không chắc chắn. Bên trong lưới B40 bao hàng ranh đất này, bác Hai lại có thêm một lớp lưới B40 khác bao quanh khu vực chim hay đậu. Cả 2 lớp này chỉ phòng được người ngay, hầu như không có tính bảo vệ cao.

Góp ý xây dựng thêm sau khi làm hàng rào

Qua khảo sát mình cũng tư vấn cho bác làm thêm một chòi quan sát ở phía bên phải đất, khu vực đối diện với nha bác ở bìa phải khu đất với nhiều mục đích

  • Quan sát và chụp chim vào buổi chiều từ phía này rất đẹp (ngược sáng nhìn về phía tây)
  • Đây cũng là chòi quan sát và bảo vệ chim phía xa nhất của ngôi nhà
Ngoài ra bác có hỏi là chim đậu nhiều trên cây, làm cây bị yếu và suy nhược. Vậy trồng cây gì phù hợp? Mình có tư vấn cho bác là trồng cây Tràm nước (cùng kiểu như ở rừng tràm trà sư ở An Giang). Mình thấy ở đó chim về làm tổ cũng rất tốt, cây sống khoẻ.

Ngoài ra bác Hai Chìa còn đang băn khoăn về việc nước trong vườn đang bị tù, và phân chim không thoát ra ngoài rạch được để làm vườn sạch và thoáng khí hơn. Mặc dù nhà bác đã có đường nước từ con rạch trước nhà vào, nhưng do chưa có kinh phí để dọn sạch mương nước trong vườn để lưu thông nước vào ra hàng ngày để rửa trôi phần đất và nước trong ao tù này. Do đó bác tính dùng một phần kinh phí để dẫn nước vào và ra trong vùng lõi phía dưới nơi chim hay đậu

Khi những loài chim quý hiếm trong sách đỏ đã có mặt tại vườn như loài Cò Nhạn, thì khả năng giới nhiếp ảnh yêu chim hoang dã sẽ đến và hi vọng khu vườn sẽ có thêm nguồn kinh phí để tồn tại và duy trì cho thế hệ sau

Lối nhỏ vào nhà bác Hai Chìa, đi xe máy và đi bộ 200 m để đến nhà
Lối nhỏ vào nhà bác Hai Chìa, đi xe máy và đi bộ 200 m để đến nhà

Cổng chào vào xã Tân Mỹ, Huyện Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh Long. Đường nhựa xe 16 chỗ đi được
Cổng chào vào xã Tân Mỹ, Huyện Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh Long. Đường nhựa xe 16 chỗ đi được

Leo thang lên mái nhà

Leo thang lên mái nhà
Leo thang lên mái nhà

Khu vực quan sát chim trên mái nhà
Khu vực quan sát chim trên mái nhà

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021

Khu vực quan sát chim trên mái nhà
Khu vực quan sát chim trên mái nhà

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021
Phía sau nhà

Tiền trạm khảo sát làm tường rào vườn chim Hai Chìa, Vĩnh Long 7.4.2021


Mặt tiền nhà bác Hai Chìa
Mặt tiền nhà bác Hai Chìa

Sự quái lạ của ông Hai Chìa: Chấp nhận mất trắng nguồn thu khủng để nuôi chim trời không công

Dành 20 công đất “nuôi” chim trời

Vườn chim quý ở Vĩnh Long đang báo động vì nạn săn bắt trộm

Phút trải lòng của người nuôi chim trời

Nguy cơ mất vườn chim vì săn trộm

Một lão nông hết lòng vì đàn chim trời

Dù thất thu hàng trăm triệu đồng vì chim trời đến ở nhưng một lão nông ở Vĩnh Long vẫn hết lòng cưu mang, bảo vệ đàn chim.

Ông Lê Văn Chìa, 74 tuổi cư ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có miếng vườn rộng 2ha, trước đây trồng nhãn, măng cụt, dâu…

Kể từ khi đàn chim trời bay về trú ngụ, vườn cây ăn trái của ông xác xơ, trơ cành, trụi lá khiến ông thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù vậy ông vẫn vui vẻ và tâm huyết chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn đàn chim trời không cho kẻ lạ săn bắt.

Một lão nông hết lòng vì đàn chim trời

Ông cho biết vào năm 2006 có một đàn vạc độ vài chục con xuất hiện trong vườn nhãn. Qua mấy ngày sau, chúng lại bay về càng lúc càng đông. Khoảng vài tháng sau, khu vườn của ông biến thành một sân chim, sáng chiều chúng bay lượn dày đặc một góc trời vô cùng đẹp mắt, nay ước tính có trên 4.000 con.

Ngoải vạc ra, ông Chìa còn phát hiện có nhiều loại chim hoang dã như cò trắng, cò quắm, cồng cộc… nhiều nhất là cò ốc. Hôm đến xem vườn chim của ông, nhiều người còn nghe tiếng cuốc, tiếng bìm bịp và nhiều loại chim khác cất tiếng vang lên tạo thành một bản hòa tấu thật êm tai.

Hiện nay, cứ 5, 6 giờ sáng là đàn vạc đi ăn đêm bay về xà xuống các lùm cây, chúng vừa đập cánh vừa kêu oạc oạc…làm xao động cả khu vườn. Đến khoảng 8 giờ là đàn cò trắng, cồng cộc, cò ốc bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn và quay về từ 4, 5 giờ chiều, chúng tung bay rợp một góc trời.

Trước kia vợ chồng ông Chìa sống dựa vào vườn cây ăn trái, nay cây đã hư hao gần hết nhưng ông vẫn vui vẻ chấp nhận và hết lòng bảo vệ đàn chim cò. Ông nói, đất lành chim đậu, mình không nên xua đuổi chúng. Nếu xua đuổi, chúng sẽ không còn chốn dung thân. Tội nghiệp lắm!

Từ ý nghĩ và tình cảm đó, ông Chìa đã ra sức bảo vệ chúng cả ngày lẫn đêm. Có những đêm trời mưa to gió lớn nhưng mỗi lần phát hiện có kẻ lạ lọt vào vườn săn bắt là ông rung chuông báo động.

Ông quý chim đến nỗi có những đêm giăng mùng ngủ ngoài chòi để trông chừng kẻ trộm vào bắt chim. Có lúc ông lại xuống sông đặt dớn bắt cá tép đem về cho chim ăn.

Kẻ trộm săn bắt chim cò rất tinh vi và hiểm độc. Chúng bắn chim bằng nạng giàn thun, bằng các dụng cụ bẫy bắt như vợt lưới hoặc trèo lên cây dùng sào thọt cho chim non rớt xuống đất.

Có đêm chúng bắt cả giỏ. Nếu có người phát hiện, chúng phản ứng bằng cách dùng nạng giàn thun bắn trả lại trước khi tẩu tán. Chúng rất ngang tàng, khi bắt gặp, chúng nói chim trời cá nước ai bắt đựơc cứ ăn

Ước mong của ông Chia là được các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ các loài chim hoang dã, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay ông rất lo cho đàn chim rồi đây không ai bảo vệ vì tuổi ông đã cao, sức khỏe ngày càng kém, vợ lại bị bệnh nặng, ba người con đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng già. Số cây trái còn lại ông bán cầm chừng không đủ ăn, hằng tháng phải nhờ các con gửi tiền về chi xài.

Mấy năm qua ông đã gõ cửa nhiều nơi nhờ hỗ trợ, ngăn chặn các đối tượng có hành vi phá hoại và săn bắt chim. UBND xã Tân Phước và Chi cục Kiểm lâm tỉnh có đến khảo sát nhưng họ nói chưa phát hiện loài chim nào nằm trong sách đỏ nên không cần bảo tồn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có đến. Mới đây, công an xã hứa sẽ tuyền truyền và treo bảng cấm săn bắt chim cò trong khu vườn của ông.

Điều làm ông phấn khởi nhất là có một nhà tài trợ ở TP Hồ Chí Minh hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng để ông làm hàng rào bao quanh khu vườn. Nếu có hàng rào, ông Chia sẽ hạn chế được trộm cắp ra vào.

Thành Hiệp

Nguồn Một lão nông hết lòng vì đàn chim trời (nongnghiep.vn)

Cặp vợ chồng già hy sinh vườn nhãn để nuôi... chim trời

PNO - Vườn nhãn 3.000 mét vuông xum xuê trái đang cho thu nhập ổn định thì ông Hai bỗng cho ngưng thu hoạch vì có một đàn chim về ở. Người ngoài nhìn mà tiếc hùi hụi...

Hai con diệc Phèn, cò Muối bị bắn gãy chân từ lúc chưa đủ lông cánh, giờ đã no cữ chiều với mớ cá trắng ông Hai xúc dưới mương. Vội rời nhà sau chén cơm bà Hai nấu với mớ rau tập tàng, ông lội phom phom ra khu vườn hoang rộng hàng chục ngàn mét vuông, nơi có hàng vạn con chim cò, diệc, cồng cộc, bìm bịp… trú ngụ.

Cặp vợ chồng già hy sinh vườn nhãn để nuôi... chim trời

Khu vườn lạ bên bờ Vĩnh Xuân


Bà con nông dân ở vùng Tân Mỹ (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) không còn lạ gì khu vườn hoang của gia đình ông Hai Chìa (Lê Văn Chìa, 75 tuổi) nằm sát nhánh sông Vĩnh Xuân rộng gần 20.000m2, với đủ loại chim, cò, vạc, diệc… Với họ, cái lạ có chăng chính là “cái gàn cái quái” của gia đình rặt nông dân này.



Ai đời, vườn nhãn ba ngàn mét vuông xum xuê trái đang cho thu nhập ổn định thì ông Hai bỗng cho ngưng thu hoạch vì tự dưng có một đàn chim về ở. Người ngoài nhìn mà tiếc hùi hụi, vì vườn cây tươi tốt mọc lên từ chính vùng đất đẫm phù sa. Thời buổi tấc đất tấc vàng…

Ông Hai cười khoái chí. Vừa xới đất vun thêm cho vài gốc dâu, gốc đủng đỉnh mới trồng, ông Hai ngó lên đọt nhãn cao tuốt luốt, từng bầy từng bầy cò trắng, cò lửa… lên đến mấy chục con đua nhau kêu ỏm tỏi.

Cũng đã mấy ngày rồi bà Hai giận chồng, bỏ ra ngủ riêng. Cái tiếng kêu oạc oạc lỏng bỏng của con Muối, con Phèn… - tên được đặt cho vài chú chim non bị thương mà ông Hai mang vô nhà chăm sóc, bà cũng đâm ghét.

Đó chính là câu chuyện của hơn mười năm về trước, khi khu vườn còn nhỏ hẹp. Bây giờ, khu vườn hoang của đàn chim trời lên đến hàng vạn con đã rộng gần hai héc-ta ở vùng quê trù phú. Dọn rửa xong mớ chén, bà Hai ngóng về phía cuối vườn, nơi có ông Hai đang lụi cụi chăm sóc một chú chim non mới rơi xuống đất, sửa lại từng chiếc ổ bện cỏ khô còn xộc xệch trên cành… Lắm lúc, tô mì sáng bà Hai chuẩn bị sẵn, ông chưa kịp ăn đã vội lao đi khi đàn chim táo tác cuối vườn. Và bây giờ, chuyện bận tâm lớn nhất của vợ chồng ông cũng chính là chuyện sống còn của đàn chim.

Khi người lạ kéo đến...


Những cảnh báo sẽ xuất hiện ngay trong góc bếp từ tiếng khua đập của những chiếc lon kết nối với chùm dây nhợ mà ông Hai căng mắc khắp vườn, đề phòng người lạ mặt. Nếu không để ý, người mới đến khu vườn hoang này sẽ dễ dàng vướng vào cọng dây gây ra cảnh báo.

Từ những sợi lưới, cuộn dây to, ông Hai tỉ mẩn tháo rời rồi đem đi căng mắc dưới gốc cây, ven bụi lác, lưng chừng hàng rào chất đống bằng các nhánh cây khô. Mục đích để bà Hai biết hiệu quả việc ông làm. Cũng giống như việc ông bón phân chuồng, vun xới thêm cho gốc dâu mới trồng để đàn chim bay về đậu trên cành xanh lá.

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tàn cây, ông kêu chỗ này phải giơ chân cao để bước qua, chỗ kia phải cúi đầu thấp xuống, đường nào thì không được đi… Có chỗ còn thiếu dây cảnh báo, ông đan hai tàu lá đủng đỉnh vào nhau cũng chỉ để làm chậm bước chân của những người đến săn bắt.

Nhớ lại, mới hôm nào, thấy hai thanh niên ôm cây súng hơi to đùng bên liếp cau cuối vườn, ông Hai không kịp suy nghĩ, chỉ biết lao tới chụp lấy con cò vừa bị bắn, máu loang lổ đôi cánh trắng dính chặt trong tay kẻ lạ.

Theo ông, súng hơi là một trong những phương tiện thường được dùng nhất của cánh săn trộm. Giàn thun, bẫy rập, lưỡi câu mồi… cũng là cách chúng hay dùng. Những mảnh ruộng vừa cày giáp phía sau khu vườn này cũng là nơi những tay lưới dài hàng chục mét đặt sẵn, rình đàn chim đáp xuống tìm mồi mà sập xuống...

Thuở đàn chim mới về tìm tổ ấm, dân săn bắt chỉ là người ở quanh quẩn trong vùng quê này. Rồi đàn chim lên đến hàng ngàn, hàng vạn con, khu vườn hoang được gia đình ông mở rộng lên đến hơn hai héc-ta đất, kẻ trộm xứ lạ cũng mon men tới. Cứ những lúc như thế, mỏi chân, đuối sức, ông đạp xe lên xã “méc cán bộ” rồi lại về, tiếp tục với những giấc ngủ chập chờn dưới tàn cây...
Vằn, Muối, Phèn… - những con chim tơ sống sót sau cú bắn chí mạng rồi rớt xuống lùm cây rậm được ông đem về chăm sóc.

Ông không đếm hết số lưỡi ngạnh cong đứt dây mà tự tay ông gắp ra từ giữa đôi mỏ rịn máu của những con chim bị mắc câu. Những con cò, cồng cộc bị mắc bẫy chuột, thuốc mồi… liểng xiểng tìm lối thoát chao về, nổi xác trắng mương trong những ngày nước hạn, thì ông luôn tự dặn lòng “đừng nhớ”…

Mỗi khi ra vườn trông chim, chiếc nạng thun với vài viên đạn đất là vật bất ly thân của ông. Ban ngày, khi có người lạ, ông chỉ dùng bắn lào xào đám sậy, để kẻ lạ biết “có chủ ra rồi”. Đêm đêm, ông trang bị thêm đèn pin, máng trên cánh võng dưới gốc quao đợi sáng. Ánh sáng từ chiếc đèn này cũng chính là “vũ khí hữu hiệu” để ông “đấu lý trước” với bao kẻ lạ mò đêm.

Hiện trong khu vườn hoang, ông Hai đang cố thủ với sáu chiếc chòi lá dựng rải rác quanh vườn, phòng những đêm giông gió. Xác lá lợp hai mùa, ông thay đổi điểm dựng chòi cũng đã đủ kín các liếp cây. Vẫn biết, dãy cành khô quây rào quanh vườn không cản nổi bước chân kẻ lạ. Mái chòi dựng tạm chỉ chở che ông với đàn chim tạm qua hai mùa mưa nắng...

Để bảo vệ khu vườn, hai ông bà bàn nhau tặn tiện tiền con cháu biếu, dựng được dãy hàng rào nẹp lưới sắt ven con đường mòn chạy dọc sông. Hàng rào sắt cao một mét rưỡi, bằng với mặt đường mòn kiêm đê bao mùa lũ năm kia. Từ trên đường mòn, chỉ cần nhấc nhẹ chân, để vượt qua rào sắt, đó là việc khá nhẹ nhàng với bao người quen, kẻ lạ…

Hai mái đầu bạc và một gia đình chim


Năm 2018, bà Lê Kim Thôi - vợ ông Hai Chìa - mắc phải căn bệnh thập tử nhất sinh. Điều trị hết tiền dành dụm, tiền ba người con gom góp, bệnh tình của bà dần thuyên giảm nên được bác sĩ cho về an dưỡng. Ngày ngày, khi ông Hai còn lụi cụi dưới vườn, bà Thôi, ở tuổi 73, chỉ biết ra ngồi trên chiếc ghế gỗ ở hiên nhà để ngắm chim, mà tìm vui.

Kể cũng lạ, từ đó, chỉ lắng nghe mà bà phân biệt được tiếng kêu con cò với tiếng của con vạc, con tu hú với con bìm bịp ra sao. Bà nhìn rõ được đàn chim nào về, bay từ hướng nào, giờ nào chúng bay đi… “Mỗi lần nghe đàn chim la toang tác là tôi lo. Vừa lo cho ổng vừa tội cho chim, không biết bị mần sao. Đàn chim trong vườn nhà mình cũng đã là gia đình rồi” - bà Thôi chia sẻ. Hơn một năm nay, cò nhạn hay cò ốc về nhiều, lại nghe nói chúng cực kỳ quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Bà đã lo, lại càng lo.

Lúc đàn chim mới về, ông mải chăm sóc chúng mà không có thời gian dành cho bà, bà giận, giăng mùng ngủ riêng. Khi ông bấm bụng bỏ hoang khu vườn nhãn từng nuôi sống cả gia đình để làm nơi cho chim trú ngụ, bà những tưởng “ông điên ông khùng” như lời bà con chòm xóm. Nhìn nhà người ta thu hoạch nhãn, rồi chạy xe chở bán nườm nượp ngang qua nhà mình, bà càng tin người ta nói đúng…

Rồi dần dà, cũng do “chịu hết xiết” với tính ông “như trong bụng dạ”, bà Thôi đành chấp nhận, cùng ông chăm sóc bốn chú chim non bị rớt xuống đất sau một đêm giông bão. Thương bà, trưa về là ông xách thêm bó rau kèo nèo xanh um nơi cuối liếp để bà bớt mỏi chân. Không an tâm nơi vườn rậm, ông làm thêm căn gác cao nhìn ra khu vườn với ô cửa nhỏ, có khóa chắc chắn để bà đứng đó ngóng ông về. Lúc bà Thôi nằm viện ở Cần Thơ, dù có con cháu túc trực chăm nom, ông Hai cũng bao bận đi - về thăm chừng bà mới yên tâm được.

Nuôi ba đứa con trai ăn học bằng đám nhãn với mảnh ruộng nhọc nhằn, ông bà giờ đã mãn nguyện vì có đứa làm công ty ở Vũng Tàu, đứa làm văn phòng ở Cần Thơ. “Tiền con gửi về không chỉ mua thuốc men, đi chợ hằng tháng, mà còn để phụ nuôi chim” - ông bà nói.
Bây giờ mỗi khi có dịp, những đứa con dắt đàn cháu về nhà ông bà sum họp. Chưa kịp rửa mặt cơm nước, chúng đã xúm xít kéo nhau ra vườn coi chim. Với ông bà Hai, đó là hạnh phúc.
Mới rạng sáng hôm qua, ông Hai lọ mọ về sớm hơn mọi bữa. Mái tóc bạc phủ sương, lấm tấm phân chim. Nhìn ông Hai, bà Thôi cười nắc nẻ.

Nghe như, lẫn trong tiếng cười, còn có cả tiếng chim vang.

Từ Nhân

Nguồn Phụ Nữ Online Cặp vợ chồng già hy sinh vườn nhãn để nuôi... chim trời - Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)

Cho chim "dìa" xây tổ

(VLO) Khi chúng tôi tới xã Tân Mỹ (Trà Ôn), hỏi đường vào nhà ông Hai Chìa (Lê Văn Chìa) thì được hỏi ngược lại “nhà ông Hai Chìa cho chim dìa ở phải hông” rồi chỉ chúng tôi đi theo hướng Mặt trời mọc, cuối đường quẹo hướng Mặt trời lặn, qua cầu số 1 tới cầu số 2 rẽ trái… Đầu đường, có tấm bảng mới dựng “Khu bảo tồn đa dạng sinh học- cấm săn bắt” dẫn vào vườn chim nhà ông Hai Chìa

Cho chim "dìa" xây tổ

"Bầy chim biết tui thương tụi nó…”


Đường đan ven con rạch nhỏ, cách hàng trăm mét đã nghe tiếng chim rôm rả riêng một góc trời. Thấy khách bày tỏ “muốn nghe tâm tình về vườn chim”, ông bỏ dở việc sửa chuồng dê sau nhà, vội rửa tay, chỉnh lại chiếc áo sờn vai và nhiệt tình dẫn nhà báo ra vườn “coi tụi nó trước”.

Theo lối nhỏ đầy cỏ, ông bảo: “Đây nè, đi theo tui, lối này ngày mưa hay nắng tui cũng ra vào với tụi nó”.

Khu vườn 20 công đất lọt thỏm giữa ấp Gia Kiết, xung quanh là nhà ở, vườn cam, ruộng lúa. Lão nông hơn 70 tuổi dẫn đường thoăn thoắt qua các mương vườn, cầu khỉ, bụi rậm dây giăng um tùm, chốc chốc quay lại nhắc: “Coi chừng lọt mương nghe bây. Từ từ thôi nghen, chim nhát người, tiếng động mạnh là tụi nó bay tán loạn hà”. Nhưng trên đầu chúng tôi vẫn có những cái đập cánh hốt hoảng bay lên rợp trời cùng tiếng kêu oác oác của bầy chim phát hiện sự có mặt của người lạ.

“Hơn chục năm sống chung rồi mà, sao không hiểu tụi nó cho được!”- ông Hai Chìa bắt đầu câu chuyện, từ vườn nhãn cho trái xum xuê hơn 15 năm trước, khi bầy chim đến “ăn nhờ ở đậu” và ông “thấy thương” thì huê lợi coi như “hổng có gì hết trọi”.

Chúng tôi hỏi cơ duyên ông cho chúng đến và ở lại đây có phải vì ông yêu loài chim cò quá không? Ông cười đôn hậu: “Nói văn hoa vậy là không phải tui đâu à nghe. Khoảng năm 2006, tự nhiên có bầy cò đến ở, tui thấy lạ, nhưng nghĩ nếu đuổi miết thì tụi nó biết đi đâu.

Thiệt tình là tui thấy tội nghiệp. Không có chỗ ở, tui sợ tụi nó bị người ta bắt mần thịt. Nghĩ mà tội nghiệp tấm thân của tụi nó, nên tui quả quyết “tụi bây ở đây với tao, tao canh chỗ ở cho, tao cho tụi bây miếng đất ở”.

Một lời như đinh đóng cột, thế là vườn trồng dâu Hạ Châu, nhãn da bò dành để cho chim về ở. Mấy bận định cải tạo vườn nhãn bị chổi rồng, lại sợ chặt cây động vườn, bầy chim bay đi, nên ông bỏ mặc cho cỏ dại mọc rậm rạp. Còn đối với bầy chim, vườn của ông đã thành vùng đất lành cho chúng về trú ngụ, làm tổ sinh sôi.

Khẽ vạch mấy đám cỏ lau, bước sâu vào vườn chim, chúng tôi không tài nào đếm xuể tổ chim đang đẻ trứng, mới nở hoặc những chú chim đã đủ lông đủ cánh bắt đầu chuyền cành tập bay. Vườn này có cò trắng, cò ốc, vạc, cồng cộc… nhiều nhất là vạc.

“Vạc lớn họng nhất vườn, nó mở miệng là kêu inh ỏi, đi kiếm ăn thôi chớ về nói chuyện om sòm”- ông Hai Chìa bảo đã quen nhịp sinh học của bầy chim trong vườn mình. Sáng tụi nó đi kiếm ăn, chiều xế xế là chim bay về “mỗi đàn có tới trăm con, cứ bay qua bay lại đùa giỡn, rum trời cả xóm”.

Mùa này cò ốc, cò trắng đã di cư hơn một nửa, chừng tháng 2- 3 lại trở về. Ông bảo năm nào cũng ghi lại ngày chim bay đi- bay về. Như năm 2019 chim đi ngày 1/11, thì năm 2020 này chim đi ngày 20/11. Lúc đông đúc cả đàn có 5.000- 6.000 con cò trắng, cò ốc… giờ nhóng chừng 3.000 con.

Đất lành nên mỗi năm vườn ông Hai Chìa hình như chim về đông hơn. “Nhất là mấy con vạc, nó ở được rồi rủ bạn nó về ở chung”- ông Hai Chìa chỉ lên ngọn cây có con cồng cộc đen trùi trũi bảo: “Cô chú thấy hông, nãy giờ nó mãi nhìn theo mình, vì những con chim nó biết tui thương tụi nó”.

Và những nỗi niềm đau đáu


Tiếp tục dẫn chúng tôi đến “căn cứ”- ngôi nhà của người cháu nhưng đã đi Bình Dương làm ăn, ông Hai Chìa cất cái chòi lá trên sân thượng canh chim.

“Đó, cồng cộc nó mới đi kiếm ăn về đó”- ông Hai Chìa chỉ chúng tôi- “Mỗi loài có đặc tính khác nhau, thấy cưng lắm. Như tới mùa sinh sản cò trống đi kiếm mồi, cò mái ở lại tổ giữ con. Cồng cộc mẹ đi kiếm mồi, mấy con non bay chập chững, lông cánh loe hoe, chỉ chờ mẹ về đút cho ăn.

Nhưng bữa nọ, chim mẹ bay đi kiếm ăn thì bị bắt không về được nữa. Bầy cồng cộc đợi mẹ đôi ba ngày đành nhảy xuống kiếm ăn. Tụi nó chưa được dạy cách tìm mồi, nên đói meo, run rủi lang thang lạc vô nhà tui. Tui đành kiếm tép cá cho nó ăn, nuôi bốn năm tháng cứng cáp mới bay đi”.

Con rạch trước nhà ông lúc nào cũng đặt vài ba cái dớn để có mồi nuôi tụi nó. “Mà con cò cũng õng ẹo lắm, cá không ăn, chỉ đòi ăn tép thôi. Tuy chim nhát người nhưng không hại nó thì nó thân thiện hơn con gà, con vịt. Thấy tui cho ăn là tụi nó sà xuống liền hà.

Những đêm vườn bị động, có người rình vào bắt trộm, tui nghe tiếng chim kêu thất thanh ngay đầu giường như cầu cứu. Nhiều lần như vậy, thương quá”- ông Hai Chìa nói chim trời cũng gần gũi được con người.

Trong vườn ông làm mấy cái chòi canh trộm. Nghe động là cầm đèn rọi liền. Có đêm phải đem theo “đồ nghề” đi vòng vòng đến khuya. “Đồ nghề” chỉ là cái ná thun, vài viên đạn bi, đèn pin và số điện thoại của công an xã để gọi hỗ trợ khi cần.

Đàn chim chỉ có thể an toàn hơn trong khuôn viên vườn nhà, “nhưng khi bay ra ngoài kiếm ăn thì không quản nổi”- ông Hai Chìa nói luôn đau đáu tìm cách nào để bảo vệ đàn chim tốt hơn.

Ngoài bắn súng hơi, người ta còn dùng đủ thứ bẫy, giăng lưới để bắt chim. Mới đây, hàng rào lưới B40 mấy chục triệu đồng đã được ông đầu tư để hạn chế “người ta vào vườn bắt chim”.

Khi chúng tôi vào nhà, ông châm trà nóng và góp phần vào câu chuyện còn có bà Lê Thị Thôi- vợ ông Hai. Bà cũng “thương bầy chim lắm. Tui kêu ổng đốn cây nhãn này cho trống tầm nhìn, chiều chiều vợ chồng ăn cơm coi chim về, coi tụi nó nói nói, la la. Tuổi già mà, vậy là đủ vui rồi”.

Dẫu vậy, trong tâm tư của người phụ nữ đã từng buôn bán ở chợ thị trấn Tam Bình, rồi về với ông làm vườn nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học, đi làm đàng hoàng, nhưng giờ vườn lại không cho huê lợi gì… cũng thoáng chút nghĩ ngợi.

Mà “có người kêu tụi tui bắt chim bán cho có thu nhập, tui cười nói là vợ chồng tui ăn cơm với rau được rồi chứ ai làm vậy”- bà Hai bảo cũng như ông, bà thương vì sợ chim không có chỗ ở, chứ không tính toan lợi lộc gì. “Vợ chồng tui chưa biết ăn thịt con chim nào. Chim chết con nào là đem chôn con đó”- bà Hai nói rất thương.

Chuyện cơm áo gạo tiền đôi lúc làm câu chuyện chùng xuống, nhưng hễ nói về bầy chim thì ông bà Hai hào hứng lên liền, còn kể hàng xóm “hay mắng vốn: bầy chim của ông Hai đậu kín ruộng, giậm lúa của tui nằm gãy rập luôn hà”.

Nói vui vậy thôi, chớ bà con chòm xóm cũng thương vợ chồng ông và đã thương luôn mấy con chim sống cùng xóm nhỏ!

Khi ông Hai gọi có kẻ trộm vào vườn, địa phương lập tức đến hỗ trợ ngay

Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- cho biết: Xã Tân Mỹ có được vườn chim thiên nhiên như vầy vui lắm. Ông Hai Chìa rất có tâm huyết bảo vệ đàn chim này, sẵn sàng bỏ không vườn cây ăn trái để chim có chỗ ở.

Khi ông Hai gọi điện thoại thông báo có kẻ trộm vào vườn thì địa phương lập tức cử lực lượng công an xã đến để hỗ trợ canh giữ và bắt trộm. Vừa qua, khi phát hiện trường hợp người dân bắn và bắt trộm chim, địa phương đã lập biên bản yêu cầu không săn bắt để bảo vệ đàn chim.

Địa phương cũng có đề xuất kiến nghị đến các ngành chức năng, UBND tỉnh nhưng do đây không phải là loài chim quý hiếm nên chưa có biện pháp bảo vệ. Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Hai và mong muốn cấp trên sẽ có giải pháp hỗ trợ để bảo tồn vườn chim.

TRẦN PHƯỚC- THẢO LY


Bất ngờ với đàn vạc hàng trăm con ở vườn nhãn

Mặc dù đàn vạc trú ngụ trong vườn nhãn làm thiệt hại năng suất và cũng gây cho ông không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai Chìa cũng chấp nhận.

Theo hướng dẫn của anh Võ Văn Hồng- Cảnh sát Môi trường tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Chìa (Hai Chìa, 64 tuổi) ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ- Trà Ôn. Tại đây, tôi được ông Hai Chìa dẫn ra vườn nhãn để tận mắt xem đàn vạc khoảng vài trăm con đậu và làm tổ trên vườn nhãn của ông và người cháu kế bên- anh Lê Phước Đại. Trên tổng diện tích 2,4 ha, đàn vạc đã trú ngụ từ 3 năm nay.

Bất ngờ với đàn vạc hàng trăm con ở vườn nhãn

Lần theo bước chân nhẹ nhẹ của ông Hai đi vòng quanh khu vườn nhãn, chúng tôi thấy dưới đất trải đầy phân chim, trên những nhánh nhãn thì san sát những tổ chim lớn. Vào đến giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn như con cò và có màu xám ngắt bay ra kêu “oạc… oạc…”. Ông Hai khẳng định đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.
Ông Hai Chìa kể, khoảng năm 2009, vườn nhãn nhà ông bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu ông nghĩ chúng trú tạm thời gian ngắn rồi đi, nhưng do ông cũng quý đàn chim này nên canh giữ không cho ai bắn phá. Như hiểu được tấm lòng của ông, chúng trú ngụ đến nay và ngày một sinh sôi với số lượng đến nay chắc đã hơn 10 lần lúc mới đến.
Mặc dù đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn đã làm thiệt hại năng suất nhãn rất nhiều và cũng gây cho ông không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai cũng chấp nhận.

Khi mùa nhãn ra hoa, ông và người cháu muốn tưới thuốc, rải phân thì phải làm vào ban đêm. Lúc đó, đàn vạc đi ăn đêm, nên không sợ động khiến chúng di cư nơi khác. Đến khi nhãn ra trái đến ngày thu hoạch thì cũng phiền phức không kém, vì sợ làm động đàn vạc, ông và người cháu phải hái trái từng cây một và thu hoạch cuốn chiếu, hết liếp này mới qua liếp khác. Việc hái nhãn cũng hết sức nhẹ nhàng, ra vườn không ai nói chuyện lớn tiếng.

Vợ ông Hai Chìa- bà Lê Kim Thôi nói: “Mặc dù đàn chim trú ngụ gây khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhất là việc giữ gìn đàn chim không cho người khác vào vườn bắn phá hết sức vất vả, nhưng mỗi buổi chiều nhìn thấy đàn chim bay đi ăn thấy rất vui”.
Việc chăm sóc nhãn sao cho tránh làm động đàn chim đã là một việc vất vả, nhưng việc lớn hơn là gìn giữ đàn chim tránh người săn trộm.
Ông Hai cho biết: Vợ chồng ông có 3 người con, cho đi học đại học xong rồi bám lại làm việc trên các thành phố. Ông bà sống thui thủi, may mà có thằng cháu kế bên chạy qua chạy lại giúp đỡ... Từ khi có đàn chim về trú ngụ đến nay, ông không dám đi đâu xa. Suốt ngày đêm, ông cùng người cháu- anh Đại phải canh chừng, có người vô vườn là đuổi ra hoặc người vào săn trộm bằng súng hơi thì phải rượt đuổi ngay.

Từ việc ông và người cháu ra sức giữ gìn đàn chim, những người săn trộm gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước…”, thậm chí ghét bỏ, nhưng hai người vẫn nặng lòng với đàn chim.
Người săn trộm có rất nhiều cách săn, nhưng chủ yếu họ dùng súng hơi. Ban ngày họ lẻn vào vườn mục kích bắn chim, vì ban ngày chim ngủ trên cây nhãn, cây so đũa… trong vườn. Buổi chiều, khi trời vừa nhá nhem tối thì họ mục kích lúc đàn chim bay ra với số lượng đông và dày để tha hồ bắn. Có nhiều con bị trúng đạn phải bay vòng về chỗ đậu và rớt xuống chết tại vườn hết sức thảm thương.

Trước việc đàn chim bị săn trộm ngày một nhiều, vì người ở xa biết được cũng đến săn trộm nên ông Hai Chìa đã báo cho công an xã và Cảnh sát Môi trường tỉnh. Ngày 15-7 vừa qua, Cảnh sát Môi trường tỉnh phối hợp với ngành chức năng và Công an xã Tân Mỹ đến khảo sát để có kế hoạch bảo vệ đàn chim.

Anh Võ Văn Hồng- Cảnh sát Môi trường tỉnh cho biết: Theo được biết, đây là con vạc, nhưng có phải là động vật có trong Sách Đỏ hay không thì cần phải có giám định của nhiều cơ quan chức năng. Trước mắt, yêu cầu Công an xã Tân Mỹ có kế hoạch hỗ trợ ông Hai Chìa bảo vệ đàn vạc này và chờ ý kiến của các ngành chức năng xác định rõ loài chim này.

Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt bừa bãi. Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc cũng ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Đối với ông Hai Chìa, vạc có phải là loài trong Sách Đỏ hay không cũng vậy. Với ông, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít, đáng được bảo vệ và cần thiết phải bảo vệ.

Theo Hùng Hậu (Vĩnh Long Online)

Đau đáu vườn chim trời Tân Mỹ

BVR&MT – Trong lúc người người bảo nhau “tấc đất, tấc vàng” thì tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã có một lão nông 75 tuổi đã hy sinh 20.000 mét vuông đất để hình thành nơi cư trú của hàng chục ngàn loại chim, cò thiên nhiên tìm về trú ẩn với mong muốn bảo tồn, phát triển đàn chim trời đông đảo này. Người khen thì nhiều nhưng người chê bai, dè bỉu cũng không ít. Thế nhưng suốt 14 năm qua, ông vẫn miệt mài đeo bám với công việc thầm lặng của mình bằng tấm lòng bao dung rất lạ.

Đau đáu vườn chim trời Tân Mỹ

Duyên nợ với chim trời


Theo chân ông Lê Văn Chìa (Hai Chìa) len lõi vào những khu vườn rậm rạp to rộng đang là nơi di trú, sinh hoạt, sinh sản của hàng ngàn cò, vạc, cồng cọc, chúng tôi khá vất vả bởi lão nông này di chuyển rất nhanh nhẹn qua các mương vườn, cầu khỉ, bụi rậm dây giăng ùm tùm. Trên đầu chúng tôi là hàng ngàn chim trời nghe tiếng động kéo nhau bay đi đen kín bầu trời với những tiếng kêu như kêu cứu vì hốt hoảng bởi sự có mặt của người lạ.

Ông Chia kể lại: “Năm 2006 bỗng dưng có hàng ngàn con vạc, cồng cộc kéo về làm tổ trên 20 công vườn nhãn da bò của tôi. Thấy vậy tôi đã dùng nhiều biện pháp để đuổi chúng đi nhưng thật kỳ lạ là càng đuổi thì chúng kéo nhau về càng nhiều. Lần này chúng “ rủ” thêm hàng ngàn cò trắng, cò ốc về theo. Tôi bàn với gia đình chắc “đất lành chim đậu” nên không xua đuổi nữa. Ngược lại tôi còn tìm mọi cách để chúng tự do bay nhảy, trú ẩn, sinh sản và không để bọn xấu tấn công. Mới đó đã 14 năm rồi”.

Ông Chìa nói thêm, ban đầu vùng này ai cũng nói ông làm chuyện bao đồng bởi 20 công nhãn hàng năm đã giúp gia đình ông có lãi hàng trăm triệu đồng, từ khi ông thành lập “vương quốc chim trời” thì con số này đã là con số không bởi sự có mặt của hàng chục ngàn cò, vạc, cồng cộc…khiến hầu như toàn bộ cây ăn trái của ông bị thất thu do chúng cắn phá, làm tổ, bài tiết chất thải. Biết vậy nhưng thấy chúng không nơi cư trú an toàn nên ông đã chọn lựa phương án hy sinh lợi ích kinh tế của gia đình.

Nỗi lo chồng chất nỗi lo bởi những năm gần đây, phát hiện lượng chim cò đến vườn ông quá nhiều, nhiều kẻ xấu đã tổ chức săn bắn chúng ban ngày lẫn ban đêm với tốc độ ngày càng nhiều, lượng người tham gia ngày càng đông, thủ đoạn tinh vi hơn, trắng trợn hơn. Thậm chí chúng còn dùng hung khí tấn công ông Chìa khi bị phát hiện truy đuổi; chúng dùng nhiều loại bẫy chim độc hại, súng săn cùng các phương tiện săn bắt khác để bắt chim trời khiến ông phải vất vã đối phó ngày đêm khi tuổi cao, sức yếu, thế cô. Thế nhưng với lòng yêu thiên nhiên, yêu chim muông đã giúp lão nông miệt vườn giữ vững khu cư trú này cho đến hôm nay.

Xin đừng để lão nông đơn độc


Lúc chúng tôi đến tham quan tìm hiểu về khu vườn độc đáo có một không hai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tính đến ngày hôm nay, tiếp chuyện với chúng tôi trong tâm trạng lo lắng, bà Lê Thị Thôi, 73 tuổi, người bạn đời của ông Chìa bức xúc nói: “Nhà tôi quá đơn chiếc, chỉ còn đôi vợ chồng già, khu vườn quá rộng lớn giờ chỉ để cho chim về ở, đâu có thu nhập gì khác. Đã vậy, ban đêm nghe tiếng kêu của chim cò, vạc là “ổng” xách đèn đi tuần tra bất kể mưa gió, mình không làm vậy bọn bất lương sẽ vô vườn tàn sát hết chim cò thì tội lắm. Mấy đêm rồi, tôi mới xuất viện về nhà sau khi điều trị bệnh nan y, vậy mà có yên đâu, cơm nước xong là “ổng” ra chòi ngủ để giữ chim cò. Cứ cái đà nầy thì khó lòng giữ mãi”.

Theo lời kể của ông Chìa, từ năm 2010, số lượng chim cò trong vườn nhà ông khoảng 3.000 con; năm 2015 tăng lên 8.000 con; hiện nay đã trên 13.000 con, trong đó nhiều nhất là cò trắng ( chiếm tỉ lệ 50%); vạc ( 25%); cồng cộc ( 15%); cò ốc ( 10%). Ngoài ra còn một số loài khác như: bìm bịp, quốc…Để bảo vệ an toàn cho đàn chim trời, ông Chìa đã tự chế tạo hệ thống báo động bằng các vỏ lon bia, lon sữa bò nối với các dây dẫn bố trí xung quanh khu vườn. Ban đêm mỗi khi bọn xấu vào săn bắt vướng phải dây làm các vỏ lon phát ra các âm thanh báo động. Nghe tiếng kêu, ông sẽ nhanh chóng đến các điểm “nóng” để ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết hại.

Chúng tôi rất ngạc nhiên về sự am tường tập quán sống, sinh sản, thời gian đi về, làm tổ của từng loại chim trời của lão nông Lê Văn Chìa. Ông còn là “bà đỡ” của nhiều chim trời khi sinh sản để “mẹ tròn con vuông”. Những lúc rảnh rỗi thời gian, ông còn tự đánh bắt cá dưới sông rạch, xay nhuyễn cùng trái cây để tăng thêm khẩu phần ăn cho những chú chim non.

Ông Chìa kể thêm, Cồng cộc là loại “háu ăn” nhiều nhất; cò trắng thì rất hiền lành; Cò Ốc thì hay mắc cở; Vạc thì ăn rất ít. Thời gian đi lại thì trái ngược nhau. Thông thường khoãng 7 giờ sáng là chúng bay đi kiếm ăn đến 14 giờ thì quay về tổ. Riêng Vạc thì khoãng 18 giờ mới bay đi ăn đêm đến 6 giờ sáng mới quay về. Về trọng lượng thì cò ốc chiếm ưu thế với từ 1 đến 1,5 kg/con; các loại khác từ 700 g đến 1kg.

Điều trăn trở lớn nhất của ông Chìa hiện nay là sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng có liên quan để bảo vệ tuyệt đối đàn chim trời đi kèm với những nghiên cứu về động vật, về môi trường, sinh thái. Cụ thể là ngành Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường; khoa học công nghệ…cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng tận diệt chim trời như hiện nay. Điều may mắn là mới đây biết được tấm lòng của ông Chìa và để góp phần giúp ông có điều kiện bảo vệ tốt hơn đàn chim, một tấm lòng vàng tại TP.HCM đã đến hỗ trợ trên 100 triệu đồng giúp ông rào chắn một phần khu vườn.

Ông Chìa cho biết thêm: “Tôi đã đi gõ cửa rất nhiều cơ quan để đề nghị hỗ trợ các biện pháp bảo vệ chúng, nhiều đoàn đã đến khảo sát, ghi nhận nhưng rồi vẫn không thấy tín hiệu phãn hồi trong khi bọn bất lương đang ra sức tận diệt chim trời mà tôi thì lực bất tòng tâm về sức khỏe lẫn tài chính”.

Nên chăng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tiềm năng rất lạ lẫm, hấp dẫn, quý hiếm trên khu vườn của lão nông Hai Chìa không bị mai một theo thời gian. Điều quan trọng hơn hết là động thái ghi nhận, tôn vinh một tấm lòng vì cộng đồng của một lão nông chân chất đã hy sinh những quyền lợi riêng tư để bảo vệ chim trời. Và cũng cần lắm một sự hỗ trợ từ cộng đồng giúp ông có thêm kinh phí hoàn thành toàn bộ khu vực lẫn chòi gác tiện quan sát để ông bớt vất vã tuần tra khi tuổi đã bước sang độ 75.

Trương Thanh Liêm

Lão nông mê chim trời

Những năm tháng bám vườn mưu sinh khiến lão nông Hai Chìa (Lê Văn Chìa, 74 tuổi, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), có dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ cùng đôi tay chai sần. Rồi như định mệnh, những con chim trời bay về trú ngụ trong vườn; vườn cây xơ xác không còn cho thu hoạch, cuộc sống càng thêm khó khăn, nhưng ông nói: “Đã trót mê nó rồi…”.

Lão nông mê chim trời

Đất lành chim đậu


Hôm chúng tôi đến thăm, tiếng chim, cò ra rả không ngớt ngoài vườn nhãn, măng cụt giờ gần như hoang phế. Bà Hai Thôi đợi chồng đi chợ mua đồ về chuẩn bị bữa cơm sáng. Nghe tiếng xe máy lạch tạch ngoài ngõ, bà nói: “Ổng về, có đồ ăn”. Tay cầm bọc hủ tiếu dành cho vợ, tay bọc trứng vịt, nụ cười hiền trên môi, ông nói: “Vợ chồng già ăn gì mà chả được, chỉ lo cho “tụi nhỏ” ngoài vườn sau này không chỗ đậu”. Mấy bó tràm chất trên xe được ông nhanh chóng ôm vào và mang ra vườn. “Mua về trồng liền, để nó héo, mất thêm thời gian phục hồi, cây sẽ chậm lớn. Nhãn, cây tạp trong vườn giờ còi cọc, nếu chúng chết, cây tràm còn kịp lớn để chim đậu”- ông nói.

Những phút nghỉ ngơi, bên ấm trà nóng, ông tâm sự, không biết mình mê đàn chim này từ lúc nào. Chỉ biết năm 2006, tự nhiên trong vườn nhãn bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu, ông nghĩ, chúng trú tạm rồi bay đi. Nhưng bất ngờ chúng không đi mà lại bay về ngày càng nhiều hơn và cứ thế sinh sôi nảy nở. “Lúc đó tôi nghĩ có lẽ đất lành chim đậu. Chúng thích mảnh đất này nên về đây ở, thôi mình cứ giữ và bảo vệ chúng. Nếu mình xua đuổi, chúng sẽ đi đâu”- ông Hai Chìa kể.

Vậy là từ đó, mỗi ngày cứ khoảng 5-6 giờ sáng, khu vườn của ông Hai Chìa lại rộn ràng tiếng chim. Trên trời, từng đàn vạc bay về, tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc, oạc làm xôn xao cả góc vườn. Cũng vì yêu quý động vật hoang dã, gia đình ông Hai Chìa quyết định bảo tồn đàn chim. Lúc đầu, vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn, khiến cây giảm năng suất khoảng 20-30%. Thời gian dần trôi, số lượng đàn tăng nhanh, rồi thêm các loại chim, cò khác về trú ngụ, cây cối lụi dần, đến nay vườn nhãn hoàn toàn thiệt hại, coi như ông Hai Chìa mất trắng.

Từ những con vạc, câu chuyện về “tụi nhỏ” - theo cách gọi của ông - nối tiếp với đám cồng cộc, cò trắng và gần đây là cò ốc. Nghe ông say sưa kể về tập tính cho đến tổng số đàn, ai cũng cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho đàn chim trời này lớn đến mức nào. Ông nói: “Ngày xưa, khi chưa có chim trời bay về đây trú ngụ, vườn nhãn, măng cụt trái xum xuê giúp tôi nuôi các con ăn học. Nay vì đàn chim trời này mà gia đình tôi thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng chỉ để giữ sự bình yên cho chúng”.

Còn sức, còn giữ đàn chim


Từ ngày vườn cây đặc sản của ông Hai Chìa thành vườn chim, cuộc đời của ông như sang trang mới với khó khăn chồng chất và cả hiểm nguy rình rập. Ngoài canh giữ không cho người khác phá hại chim, ông còn chăm sóc cả “miếng ăn, giấc ngủ” của chúng như những đứa con. Ông còn làm thêm mấy cái dớn dưới sông để hằng ngày bắt thêm cá, tép mang ra vườn thả cho chim ăn. Khu vườn cây trái xum xuê ngày nào giờ chỉ còn những cây nhãn, măng cụt còi cọc, chằng chịt dây leo. Len lỏi trong đó là những lối mòn mà chỉ có ông và vợ âm thầm men theo để theo dõi đàn chim. Cái máng xối từ căn nhà của người cháu kế bên được ông Hai Chìa che chắn tạm bằng những tấm lá chằm bằng dừa nước để làm ụ gác trên cao. Bên trong, ông giăng tạm cái mùng cũ kỹ để chống lại lũ muỗi đói mỗi khi đêm về. Còn phía xa, tại các góc vườn, ven những lối mòn là những căn chòi tạm được mắc võng sẵn để khi đi tuần, mệt thì ông nghỉ chân. Ngày này qua tháng khác, đến nay đã gần 14 năm một mình ông Hai Chìa lủi thủi với những “đứa con tinh thần”.

Mấy năm gần đây, gia đình ông Hai Chìa lại càng thêm vất vả khi khu vườn của gia đình thường xuyên bị người khác vào bắt trộm chim. Những con lớn thì bị bắn, ổ thì bị họ dùng cây chọc lấy trứng và bắt chim ra ràng. Nhiều lúc ra thăm vườn, thấy xác chim nằm chết, lòng ông đau quặn thắt. Vì vậy, ông ngày đêm không ngại nắng mưa, tuổi già vẫn canh giữ, quyết tâm bảo vệ đàn chim.

Theo chân ông, chúng tôi đi một vòng vườn cây ăn trái giờ đã như một vườn hoang, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt nhưng tiếng chim, cò lại kêu vang cả một góc trời. “Tôi đã ghi chép kỹ tổng số đàn hiện có khoảng 13.000 con. Trong đó cò ốc khoảng 4.000 con, vạc 2.000 con, cồng cọc 1.000 con, còn lại cò trắng, bìm bịp, tu hú, quốc…” - ông Hai Chìa nhẩm tính. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, ông Hai Chìa nói: “Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó, trộm vào là tôi biết ngay”. Để chủ động phòng những kẻ trộm chim, theo các lối mòn trong vườn là những cái bẫy được ông giăng sẵn, chằng chịt. Kẻ trộm khi vô vườn vướng phải bẫy sẽ phát ra âm thanh báo động để chim bay đi hoặc ông nghe, kịp thời chạy ra ứng cứu.

Theo kinh nghiệm của ông Hai Chìa, ban đêm, nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là đàn chim lập tức “kêu cứu”. Lúc này, bất kể trời mưa hay nắng, ông Hai Chìa lập tức xách đèn, ná thun ra bắn đuổi trộm đi. Trong lúc đi thăm vườn, có những con vạc bị thương do trộm bắn, ông mang vô nhà nuôi dưỡng đến khi chúng bay được. Ông Hai Chìa nói, nhiều năm rồi, chưa đêm nào ông ngủ đủ giấc. Ngoài những lúc đi tuần, hễ nghe tiếng động, tiếng chim kêu lớn ngoài vườn là ông lại chạy ra. Bà Hai Thôi kể: “Trộm rình bắt chim nhiều lắm, ông nhà tôi lớn tuổi một mình đêm hôm nhiều lần đối mặt với bọn chúng, tôi lo lắm”. Tay cầm cái nón bảo hiểm, ông Hai Chìa chỉ cho chúng tôi vết tích trong một lần chạm trán với bọn săn trộm chim. “Đêm đó chúng đi 2 tên, một tên dưới đất, 1 tên trên cây. Nghe chim kêu, tôi ra thì tên dưới đất bỏ chạy, còn tên phía trên bắn vào tôi làm lủng cả nón bảo hiểm. Nếu không có cái nón này, giờ chưa biết tôi còn ngồi đây không nữa” - ông Hai Chìa kể.

Ông Hai bỏ lửng câu nói, bởi những hiểm nguy đó, bản thân ông đã nhiều lần đối mặt. Nhưng, như lời tâm sự rất thật của ông: “Đã trót mê nó rồi”, ông lại tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đàn chim. Thời gian qua, đại diện xã và Chi cục Kiểm lâm cũng đến khảo sát, nhưng chưa phát hiện có loài nằm trong sách đỏ. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã lập dự án, đề án bảo tồn khu vườn của ông Hai Chìa như một khu sinh thái tự nhiên. UBND xã Tân Mỹ cũng coi việc làm của ông là một hành động đẹp bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài vật trước nạn săn bắt tận diệt nên đã yêu cầu Công an hỗ trợ ông Hai Chìa chống lại nạn săn bắt trộm.

Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt bừa bãi của con người. Như những loài khác, nhiều loài chim dần vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Còn với ông Hai Chìa, dù thiệt hại và hiểm nguy nhưng ông vẫn quyết bảo vệ đàn chim. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim nhưng không biết kéo dài được bao lâu. Sợ đến lúc tôi không còn bảo vệ nổi thì đàn chim này cũng sẽ không còn” - ông Hai Chìa nói mà giọng buồn hiu.

Bình Nguyên

Lão nông miền Tây dành gần 2ha đất cho đàn chim trời ở

Tuổi Trẻ - Sự quái lạ của lão nông Hai Chìa

TTO - Hơn một thập kỷ trước, vườn nhãn sum sê mỗi năm mang về cho lão nông Hai Chìa cả trăm triệu đồng. Một ngày nọ, trời bén duyên đưa lũ chim trời kéo về vườn nhãn. Hai Chìa bấm bụng bỏ vườn cho bầy chim thống trị...

Đến ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hỏi thăm về lão nông sở hữu vườn chim trời hàng ngàn con thì từ đầu đến cuối xóm ai cũng biết.

Vườn nhãn biến thành vườn chim hoang dã

Đó là lão nông Lê Văn Chìa (73 tuổi) mà người dân trong ấp hay gọi ông là Hai Chìa. Tiếng tăm của ông Hai Chìa nổi như cồn không phải vì giàu có hay có tài cán gì đặc biệt, mà lão nổi tiếng bởi sự quái lạ là bỏ đất, bỏ vườn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho bầy chim.

Người dân từ đầu đến cuối xóm ai cũng gọi Hai Chìa là "lão điên", nhưng họ cũng phải trầm trồ khen ngợi mỗi khi đi ngang qua vườn chim hoang dã của lão.

Sống cách nhà lão nông Hai Chìa chừng 500m, ông Sơn Khen (86 tuổi) cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhắc đến "người quái lạ" Hai Chìa.

Ông nói: "Tui đi buôn trái cây khắp cái đồng bằng này mà không thể nào kiếm được vườn chim nào hoang dã, tự nhiên như vườn của ông Hai Chìa. Thời buổi bây giờ chim cò bị săn bắt khủng khiếp để làm mồi nhậu, thì ở xứ này lại có một vườn chim hoang dã cả ngàn con ngày đêm sinh sôi nảy nở, kêu ríu rít nghe đã lỗ tai. Mỗi lần đi ngang qua vườn của Hai Chìa, tui cứ ngỡ mình đang sống ở cái thời mới đi khai hoang hàng chục năm về trước vậy".

Căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm ven mé ruộng ở ấp Gia Kiết là nơi chôn nhau cắt rốn của lão Hai Chìa. Vợ chồng lão chọn đây làm nơi an hưởng tuổi xế chiều. Lão có ba người con trai nhưng đều đã yên bề gia thất ra ở riêng tận miền Đông Nam Bộ.

Bởi vậy, khi nhà có khách, vợ chồng lão vô cùng mừng rỡ. Vội đi pha ấm trà nóng ân cần mời khách, lão Hai Chìa đem ra cuốn tập ghi chép tỉ mỉ ngày tháng đàn chim bay đi bay về khá chi tiết rồi nói: "Tháng ba chúng về đông nhất để sinh sản, chừng tháng sáu lại kéo nhau đi. Nhưng vài tháng sau chim lại bay về. Cứ như vậy mà đã gần 12 năm nay rồi".

Theo lão Hai Chìa, khu vườn nhà lão có tổng cộng 2,4ha chuyên canh tác các loại nhãn, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Các con lão cũng nhờ vườn nhãn này mà được ăn học tử tế thành tài. Nhưng vào năm 2006, bỗng từ đâu xuất hiện một đàn vạc hơn trăm con bay về vườn nhãn trú ngụ, tiếp theo đó các đàn cò, còng cọc... kéo về ngày một đông đúc.

"Ban đầu tui chỉ thấy lạ lẫm và chạy ra xem đàn chim bay lượn. Chim bay lượn vần vũ trên trời rồi cắm đầu đáp xuống vườn cây trông rất đã mắt. Dần về sau, bầy chim ngày một lớn, có lúc lên đến gần 5.000 con. Chiều tối là vạc bay đi, rạng sáng là còng cọc, chúng luân phiên nhau "giữ nhà" để đi kiếm mồi thấy thương lắm!" - lão Hai Chìa nhớ lại.

Bỏ kế sinh nhai, cưu mang đàn vạc

Bà Lê Thị Thôi (69 tuổi, vợ lão Hai Chìa) kể lại hồi đó cứ mỗi lúc ăn cơm chiều mà thấy đàn chim bay về là chồng bà quăng chén đũa bỏ chạy ra vườn.

"Do vạc về đông quá nên vườn nhãn bị chúng tàn phá khó đậu trái, mùa thu hoạch nào cũng gặp khó khăn. Thằng cháu phụ tôi làm vườn chạy ra xua đuổi, nhưng bay đi được ít ngày chúng lại bay về làm tổ. Riết rồi cũng quen, chim ở thì thấy thương, thấy tiếc của mà chúng đi mình lại thấy buồn" - bà Thôi tâm sự.

Đuổi hoài đàn vạc không chịu đi, lão nông Hai Chìa về bàn bạc với các con thôi đành để chúng ở lại. Vậy là từ đó, người cháu của vợ chồng lão Hai Chìa đành phải bỏ nhà, gói ghém đồ đạc lên Bình Dương làm ăn sinh sống.

Ở nhà, lão Hai Chìa quyết định bỏ hoang khu vườn cây ăn trái rộng 1,8ha cho bầy chim trời muốn làm gì thì làm. Mọi chi tiêu phải nhờ tiền phụng dưỡng từ con cái, nhưng lão Hai Chìa cũng bấm bụng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới, dây về bao hết khu vườn nhằm chống người săn bắt chim.

Theo chân lão Hai Chìa, chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp chẳng khác gì rừng U Minh. Vang một góc trời, tiếng "eng éc, oạc oạc..." của "dàn giao hưởng" chim còng cọc, cò, vạc nghe rất vui tai khiến con người ta như trút hết bao muộn phiền.

Để bảo vệ đàn chim, lão Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Ở cuối bìa khu vườn, lão cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây nằm canh trộm. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, lão Hai Chìa cười nói sảng khoái: "Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó nhé, trộm vào là tui biết ngay".

"Bẫy" mà lão Hai Chìa nói thực ra là hai sợi dây bao quanh khu vườn, được đấu nối vào một chiếc lon sữa bò đặt sát gian nhà nơi sinh sống. Khi có trộm vào săn bắt chim vướng dây là bên trong nhà lon sẽ bật chốt báo động. Lão còn dùng cành cây khô và lá để "đặt bẫy", nếu có người xâm nhập lấy trứng hoặc chim non lão sẽ biết.

Theo kinh nghiệm của lão, vào ban đêm nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc cất tiếng "kêu cứu". Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay bão, lão Hai Chìa ngay lập tức xách đèn, xách ná ra bắn đuổi trộm đi.

Sống với bầy chim hơn một thập kỷ, vợ chồng lão nông Hai Chìa coi chúng như con mình, chăm chút từng li từng tí. Thời gian rảnh rỗi, lão còn ra sông đặt dớn, đặt lọp bắt tôm cá về đổ vào khu vườn cho chim ăn.

"Cũng có nhiều người nói này nọ rằng tôi uổng công xúc tép nuôi cò, cho chúng ăn rồi ngày nào đó chúng cũng sẽ bỏ đi. Nhưng tui tin và cảm nhận được qua từng tiếng kêu rằng bầy chim này đã chọn vườn nhãn của tôi làm mảnh đất lành để trú ngụ. Giờ tuổi cũng già rồi, tui với bả đang bàn cách dành dụm mớ tiền xây hàng rào thép quanh khu vườn bảo vệ chim để có cái mà bầu bạn đến hết đời" - lão Hai Chìa tâm sự.

Bỏ kế sinh nhai, cưu mang đàn vạc

Bà Lê Thị Thôi (69 tuổi, vợ lão Hai Chìa) kể lại hồi đó cứ mỗi lúc ăn cơm chiều mà thấy đàn chim bay về là chồng bà quăng chén đũa bỏ chạy ra vườn.

"Do vạc về đông quá nên vườn nhãn bị chúng tàn phá khó đậu trái, mùa thu hoạch nào cũng gặp khó khăn. Thằng cháu phụ tôi làm vườn chạy ra xua đuổi, nhưng bay đi được ít ngày chúng lại bay về làm tổ. Riết rồi cũng quen, chim ở thì thấy thương, thấy tiếc của mà chúng đi mình lại thấy buồn" - bà Thôi tâm sự.

Đuổi hoài đàn vạc không chịu đi, lão nông Hai Chìa về bàn bạc với các con thôi đành để chúng ở lại. Vậy là từ đó, người cháu của vợ chồng lão Hai Chìa đành phải bỏ nhà, gói ghém đồ đạc lên Bình Dương làm ăn sinh sống.

Ở nhà, lão Hai Chìa quyết định bỏ hoang khu vườn cây ăn trái rộng 1,8ha cho bầy chim trời muốn làm gì thì làm. Mọi chi tiêu phải nhờ tiền phụng dưỡng từ con cái, nhưng lão Hai Chìa cũng bấm bụng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới, dây về bao hết khu vườn nhằm chống người săn bắt chim.

Theo chân lão Hai Chìa, chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp chẳng khác gì rừng U Minh. Vang một góc trời, tiếng "eng éc, oạc oạc..." của "dàn giao hưởng" chim còng cọc, cò, vạc nghe rất vui tai khiến con người ta như trút hết bao muộn phiền.

Để bảo vệ đàn chim, lão Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Ở cuối bìa khu vườn, lão cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây nằm canh trộm. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, lão Hai Chìa cười nói sảng khoái: "Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó nhé, trộm vào là tui biết ngay".

"Bẫy" mà lão Hai Chìa nói thực ra là hai sợi dây bao quanh khu vườn, được đấu nối vào một chiếc lon sữa bò đặt sát gian nhà nơi sinh sống. Khi có trộm vào săn bắt chim vướng dây là bên trong nhà lon sẽ bật chốt báo động. Lão còn dùng cành cây khô và lá để "đặt bẫy", nếu có người xâm nhập lấy trứng hoặc chim non lão sẽ biết.

Theo kinh nghiệm của lão, vào ban đêm nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc cất tiếng "kêu cứu". Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay bão, lão Hai Chìa ngay lập tức xách đèn, xách ná ra bắn đuổi trộm đi.

Sống với bầy chim hơn một thập kỷ, vợ chồng lão nông Hai Chìa coi chúng như con mình, chăm chút từng li từng tí. Thời gian rảnh rỗi, lão còn ra sông đặt dớn, đặt lọp bắt tôm cá về đổ vào khu vườn cho chim ăn.

"Cũng có nhiều người nói này nọ rằng tôi uổng công xúc tép nuôi cò, cho chúng ăn rồi ngày nào đó chúng cũng sẽ bỏ đi. Nhưng tui tin và cảm nhận được qua từng tiếng kêu rằng bầy chim này đã chọn vườn nhãn của tôi làm mảnh đất lành để trú ngụ. Giờ tuổi cũng già rồi, tui với bả đang bàn cách dành dụm mớ tiền xây hàng rào thép quanh khu vườn bảo vệ chim để có cái mà bầu bạn đến hết đời" - lão Hai Chìa tâm sự.

Chí Hạnh

Công tác kiểm kê, khảo sát vườn chim Vạc tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giàu tiềm năng về đa dạng sinh học (ĐDSH), trong đó quần thể chim nước rất phong phú về số loài và số cá thể. Hiện nay, quần thể chim nước xuất hiện chủ yếu tại các nơi đã có kế hoạch bảo tồn ở cấp tỉnh hay cấp quốc gia như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U-Minh Thượng (Kiên Giang), Mũi Cà Mau; hay các Khu bảo tồn như Láng Sen (Long An), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Phú Mỹ (Kiên Giang); hoặc có qui mô nhỏ hơn như các sân chim Cái Nước (Cà Mau), sân chim Bạc Liêu, Vàm Hồ (Bến Tre); đặc biệt là các quần thể chim định cư rãi rác khắp ĐBSCL mà người dân hay gọi là “Vườn Cò”. Những vườn cò nầy có qui mô diện tích nhỏ hơn như vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ), Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (Hậu Giang). Trong những năm qua, các vườn cò này đã được các cơ quan chức năng thực hiện khảo sát nghiên cứu và đưa vào kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH của tỉnh nhà, tuy nhiên “vườn cò Hai Chìa” thì chưa được khảo sát nghiên cứu và vì vậy cũng chưa có kế hoạch bảo tồn và phát triển lâu dài.

Ngoài ra, kiểm kê vườn Vạc nhằm thực hiện đúng theo mục tiêu và Phương pháp quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030

Mục tiêu của đề tài:

Khảo sát và đánh giá hiện trạng đa dạng loài của quần thể chim nước. Dựa vào tập tính sinh học của từng loài và mật độ cá thể biến động trong năm để phân tích khả năng hiện diện theo mùa hay thường xuyên và những mối đe dọa đối với các loài chim, nhằm đề xuất kế hoạch quản lý và bảo tồn bền vững.

Nguồn: Công tác kiểm kê, khảo sát vườn chim Vạc tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - MCF

Tuổi Trẻ - 2 công vườn hoang, 4.000 cò nhạn xây tổ, lão nông bỏ tiếp 13 công

TTO - "Ban đầu một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày một đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, rợp kín trời, đếm sơ sơ cũng trên dưới 4.000 con", ông Hai Chìa kể. Và kẻ gian đã mò đến săn trộm...

Hàng ngàn cánh cò nhạn quý hiếm lần đầu tiên bay về trú ngụ trong khu vườn bỏ hoang của lão nông Hai Chìa tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Theo vợ chồng lão nông Lê Văn Chìa (thường gọi là Hai Chìa, 75 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), đàn cò nhạn (hay còn gọi là cò ốc) trên dưới 4.000 con xuất hiện trong khu vườn bỏ hoang của ông từ Tết Nguyên đán cho đến nay.

"Ban đầu một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày một đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, rợp kín trời, đếm sơ sơ cũng trên dưới 4.000 con", ông Hai Chìa kể.

Trước đây, Tuổi Trẻ Online từng thông tin về lão nông Hai Chìa, người dám bỏ hoang khu vườn cây ăn trái rộng hơn 2 công đất để cho chim, cò trắng, cồng cọc, vạc… về trú ngụ từ năm 2006 đến nay.


"Khi phát hiện cò nhạn về khu vườn, vợ chồng tui bàn bạc bỏ hoang tiếp 13 công đất cây ăn trái còn lại cho chúng ở. Hiện tại, khu vườn chim cò đã rộng 15 công. Vì nạn săn bắt trộm diễn ra như cơm bữa, tui xách xe chạy lên báo với xã, huyện và lên tận tỉnh. Sau đó, các đoàn công tác mới xuống tận nơi để xem xét tìm hướng bảo vệ chim quý", ông Hai Chìa kể tiếp.

Do chim quý lần đầu về vườn trú ngụ, sau giờ cơm chiều và khi bắt đầu chạng vạng tối là lão nông Hai Chìa ôm võng, mùng mền lủi thủi đi ra vườn nằm canh đuổi trộm.

Bà Lê Thị Thôi (73 tuổi, vợ ông Hai Chìa) kể: "Nhà chỉ có hai vợ chồng già sinh sống, mà tối nào ổng cũng xách đồ đi canh trộm để lại có mình tui. Vừa rồi tui trải qua bạo bệnh, vợ chồng qua hết Cần Thơ nên trộm chim hoành hành dữ lắm".

Lão nông Hai Chìa cho biết thêm, khu vườn chim cò của vợ chồng ông rất nhiều lần bị kẻ gian lẻn vào bắt trộm chim con, hoặc bắn trộm những con chim bố mẹ. Do đó, ông phải ngày đêm canh giữ rất cực khổ.

"Hiện tại tui chỉ mơ ước có sự hỗ trợ kinh phí để xây hàng rào bao quanh khu vườn bảo vệ đàn chim quý. Bởi hàng chục năm nay vợ chồng tui đã bỏ hoang cả khu vườn, mất hết thu nhập", ông Hai Chìa tâm sự.

Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ cho biết Huyện ủy, UBND huyện Trà Ôn đã có chỉ đạo cho các ngành chức năng, trong đó có lực lượng công an thường xuyên theo dõi và hỗ trợ lão nông Hai Chìa bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm trước nạn săn bắt trộm.

Bên cạnh đó, sắp tới UBND xã cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương biết cò nhạn là chim quý hiếm, có trong sách đỏ và nghiêm cấm săn bắt.

Cò nhạn (còn gọi là cò ốc), tên khoa học là Anastomus Oscitans, thuộc họ diệc, bộ hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới, cò nhạn chỉ thường ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh. Cò nhạn có trọng lượng khoảng 1-1,5kg, chim trưởng thành có chiều cao lên đến 50cm, chiều dài sải cánh khoảng 1m.

Loài chim này có đặc điểm sinh sống định cư, tuy nhiên khi vùng sinh sống, nơi kiếm ăn bị thu hẹp thì chúng di cư đến vùng khác thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của loài chim này là ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, tôm, cua và côn trùng.

VTV9 - Vĩnh Long: Vườn chim có nguy cơ bị xóa sổ vì nạn săn bắt trộm

Đó là vườn chim của ông Lê Văn Chìa ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cách đây khoảng 13 năm, một đàn vạc hàng trăm con bay đến vườn nhà ông sinh sống. Vài năm trước số lượng chim đã lên đến hàng ngàn con với nhiều loài khác như cò ốc, còng cọc… Tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng lạ mặt từ địa phương khác đến săn trộm chim vào ban đêm. Theo ông Chìa, các đối tượng này thường phá ổ bắt chim non và trứng để ăn hoặc bán cho các quán nhậu. Khi bị phát hiện bọn chúng thậm chí còn đe dọa cả chủ vườn.

Công an địa phương nhiều lần bắt quả tang các đối tượng săn trộm nhưng cũng chỉ có thể buộc họ viết cam kết và phạt hành chính nếu tái phạm. Đến nay, tình trạng săn trộm vẫn diễn ra thường xuyên vào ban đêm. Hiện số lượng chim non tại đây đã giảm gần một nửa. Với tình trạng săn bắt vô tội vạ, nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu từ ngành chức năng thì nguy cơ vườn chim này bị xóa sổ trong tương lai gần là rất cao./.

Báo Nhân Dân - Tâm huyết bảo vệ đàn chim trời của lão nông Vĩnh Long

Báo Nhân Dân - Tâm huyết bảo vệ đàn chim trời của lão nông Vĩnh Long

NDĐT - 12 năm qua, cũng ngần ấy thời gian, gia đình ông Lê Văn Chìa (73 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đánh đổi không màng đến thu nhập từ 2ha đất vườn, quyết tâm bảo vệ đàn chim trời hàng nghìn con trú ngụ đất nhà.

Sau mấy năm trở lại thăm vườn chim trời (gồm vạc, cò, chim các loại…) của ông Hai Chìa, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của ông dành cho đàn chim trời, lúc nào cũng chăm lo bảo vệ, tìm mồi cho đàn chim trời trong vườn nhà mình và vẫn mỉm cười, an vui với câu nói: “Ngày xưa, khi chưa có chim trời bay về đây trú ngụ, vườn trái cây sum suê đã nuôi gia đình, nuôi các con tôi ăn học. Hơn 10 năm qua, vì đàn chim trời này mà gia đình tôi thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng để giữ sự bình yên, nếu đàn chim về đây ngày càng đông hơn, chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Ngày ngày, hai vợ chồng tôi ở nhà ngắm đàn chim trời và canh giữ không cho ai quấy phá, tiền thì các con chu cấp mỗi tháng, hưởng niềm vui tuổi già”.

Đất lành chim đậu

Khoảng giữa năm 2007, vườn nhãn nhà ông Hai Chìa bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu, ông nghĩ, chúng trú tạm thời gian ngắn rồi đi, nhưng do gia đình ông cũng quý đàn vạc này nên canh giữ không cho ai bắn phá. Như hiểu được tấm lòng của ông, chúng trú ngụ ngày càng nhiều hơn và cứ thế ngày càng sinh sôi nảy nở, hiện tại theo ước lượng có thể lên đến hàng nghìn con. Cứ khoảng 5 - 6 giờ sáng mỗi ngày, ở khu vườn của ông, có từng đàn, từng đàn vạc bay về. Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con biểu diễn với những đường bay uốn lượn và tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc, oạc, oạc làm xao động cả một khung trời và đậu lại trên những cây nhãn, cây đủng đỉnh,… trú ngụ tạo nên một không cảnh tuyệt vời như ở những nơi bảo tồn động vật hoang dã.

Lần theo bước chân nhè nhẹ của ông Hai Chìa đi vòng quanh khu vườn nhãn, chúng tôi thấy trên những nhánh nhãn, san sát những tổ chim lớn. Vào đến giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn như con cò và có mầu xám ngắt bay ra kêu “oạc… oạc…”. Ông Hai khẳng định, đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác mầu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.

Vì yêu quý động vật hoang dã, gia đình ông Hai Chìa quyết định bảo tồn loài vạc này. Lúc đầu, đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn đã làm thiệt hại năng suất vườn nhãn khoảng 20-30%. Thời gian dần trôi, khi đàn chim lớn dần thì thất thu toàn bộ khu vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai cũng chấp nhận. Thời gian dần trôi, vạc sinh sản càng nhiều, những đọt nhãn bị vạc bẻ cong, chết khô để làm tổ, trú ngụ… Đến nay, vườn nhãn hoàn toàn thiệt hại, coi như ông Hai mất trắng.

“Chỉ tính riêng khu vườn cho vạc ở là 15 công, mỗi công tôi trồng 20 cây nhãn, mỗi cây nhãn hơn 25 năm tuổi, tính nhẹ nếu bình thường thì mỗi cây cũng cho cả trăm kg nhãn một năm, lại thêm măng cụt cũng đã gần 20 năm tuổi. Nhưng đàn vạc trú ngụ làm thiệt hại hoàn toàn, nếu tính mỗi năm gia đình tôi thất thu cả vài trăm triệu đồng”, ông Hai Chìa nhẩm tính.

Sống cách nhà lão nông Hai Chìa chừng 500m, ông Sơn Khen (86 tuổi) cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhắc đến ông Hai Chìa. Ông nói: “Tui đi buôn trái cây khắp cả cái đồng bằng này mà không thể nào kiếm được vườn chim hoang dã, tự nhiên như vườn của ông Hai Chìa. Thời buổi bây giờ, chim cò bị săn bắt khủng khiếp để làm mồi nhậu, hay đem bán ngoài đường thì ở xứ này lại có một vườn chim hoang dã cả nghìn con ngày đêm sinh xôi nảy nở, kêu ríu rít nghe đã lỗ tai. Mỗi lần đi ngang qua vườn của Hai Chìa, tui cứ ngỡ như mình đang sống ở cái thời mới đi khai hoang mấy chục năm về trước vậy”.

Nỗi lo tuổi già không cứu được đàn chim trời

Mấy năm gần đây, gia đình ông Hai Chìa lại càng vất vả hơn khi khu vườn vạc của gia đình thường xuyên bị người khác vào bắn phá, bắt vạc; con lớn thì bắn, ổ thì bị họ dùng cây chọc lấy trứng và bắt chim ra ràng (chim con vừa búp lông). Nhiều lúc ông ra vườn, thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết thối rất thảm thương. Vì vậy, ngày đêm ông Hai không ngại nắng mưa, tuổi già vẫn canh giữ quyết tâm bảo tồn đàn vạc hơn 11 năm qua. Những người săn trộm gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước…”, thậm chí ghét bỏ, nhưng hai người vẫn nặng lòng với đàn chim.

Theo chân ông, chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp. Vang vẳng một góc trời, âm thanh “en éc, oạc oạc…” của “dàn giao hưởng” gồm chim còng cọc, cò, vạc nghe rất vui tai và khiến con người ta như trút hết bao muộn phiền.

Để bảo vệ đàn chim khỏi bị săn bắt, ông Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Còn ở cuối bìa khu vườn, lão cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây canh trộm. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, ông Hai Chìa cười nói sảng khoái: “Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó nhé, trộm vào là tui biết ngay”.

Theo kinh nghiệm của ông Hai Chìa, vào ban đêm nếu có kẻ giam xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc cất tiếng “kêu cứu”. Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay nắng, lão Hai Chìa ngay lập tức xách đèn, ná ra bắn đuổi trộm đi. Trong lúc đi thăm vườn, có những con vạc bị bọn chúng bắn bị thương, ông nâng niu mang về nhà nuôi dưỡng đến khi chúng bay được.

Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt bừa bãi. Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc cũng ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Với ông Hai Chìa, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít dần, dù thiệt hại và khó khăn nhưng ông cũng quyết bảo vệ đàn vạc và ông bà Hai cũng mong cơ quan chức năng sớm có phương án bảo tồn. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim, không biết được bao lâu. Sợ đến lúc tôi không còn bảo vệ nổi thì đàn vạc này biết đi về đâu”, ông Hai bùi ngùi.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, Ngô Vĩnh Tuân (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Khi tận mắt nhìn thấy khu vườn với hàng nghìn con vạc, cò, còng cọc… của ông Hai Chìa, ai cũng lấy làm kỳ lạ và không hiểu vì sao chim lại kéo về đây ở nhiều. Thời buổi bây giờ, kiếm được khu vườn vài trăm con chim thật sự đỏ con mắt vì nạn săn bắt hoành hành quá dữ dội.

Thời gian qua, đại diện xã và Chi cục Kiểm lâm cũng đến khảo sát, nhưng chưa phát hiện có loài nào nằm trong sách đỏ. Tuy nhiên, phía UBND tỉnh cũng đã lập dự án, đề án bảo tồn khu vườn của chú Hai Chìa như một khu sinh thái tự nhiên. UBND xã Tân Mỹ cũng coi hành động của ông Hai Chìa là một hành động đẹp bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài vật trước nạn săn bắt tận diệt. Do đó, UBND xã Tân Mỹ cũng yêu cầu phía công an hỗ trợ ông Hai Chìa chống lại nạn săn bắt trộm.

Bá Dũng

Thăm vườn cò của lão nông 74 tuổi dành 2ha đất làm nhà cho chim

Một lão nông 74 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long đã dành gần 2ha đất trồng cây ăn quả để làm nơi trú ngụ, sinh sản cho hàng ngàn con con chim, cò, cồng cộc, vạc...

Đầu giờ chiều, hàng ngàn con chim, cò, cồng cộc, vạc... ở đâu bay về liên tục đập cánh, kêu “oạc oạc”… trong vườn của ông Lê Văn Chìa (74 tuổi, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Ông Chìa cho biết, năm 2006, một đàn vạc hơn vài chục con bay về đậu trên vườn trái cây của gia đình. Ban đầu, ông nghĩ chúng trú tạm rồi sau đó sẽ bay đi, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có hàng ngàn con chim, cò trắng, cồng cộc, vạc...

Đặc biệt, có loài cò ốc - hay còn gọi là cò nhạn (bên trái) quý hiếm với số lượng hàng ngàn con cũng về khu vườn của ông Chìa trú ngụ.

“Đất lành chim đậu”, số lượng chim, cò, cồng cộc, vạc về trú ngụ trong vườn nhà ông ngày càng đông; chúng làm tổ, đẻ trứng luôn trên những cây ăn quả khiến việc thu hoạch trái cây làm chim sợ. Từ đó, ông bỏ luôn khu vườn.

“Lúc đàn chim, cò chưa về, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập được gần 100 triệu. Vì thế, khi tôi quyết định cho chúng ở thì bà vợ phản đối dữ lắm. Nhưng nhờ con cái động viên nên vợ tôi cũng đồng ý, vì vậy, mỗi tháng mấy đứa con có gửi ít tiền để chúng tôi trang trải cuộc sống” – ông Chìa tâm sự.

Cũng theo ông Chìa, sáng sớm và chiều tối là hai thời điểm những đàn cò, cồng cộc, vạc bận rộn nhất, chúng đập cánh, kêu “oạc oạc”… làm xao động cả khu vườn.

“Cồng cộc, cò trắng thì đi ăn vào buổi sáng, đến khi nào no mồi với về; vạc thì lại đi ăn vào buổi chiều, đến sáng hôm sau với về, những con nào có con trong tổ thì nửa đêm phải về cho con ăn” – ông Chìa cho biết về tập tính của từng loài.

Hiện, khu vườn của ông Chìa không khác gì rừng rậm, chằng chịt dây leo. Đặc biệt, từ dưới đất có thể quan sát những con chim non đang lớn từng ngày.

Để bảo vệ chim trước những kẻ săn trộm, khắp khu vườn ông còn làm thêm bẫy. Bẫy của ông là những sợi dây được bao quanh khu vườn, được đấu nối vào một chiếc lon sữa bò đặt sát các chòi nhỏ. Khi có trộm vào săn bắt chim hoặc lấy trứng sẽ vướng vào dây là lon sẽ bật chốt báo động vang lên.

Theo kinh nghiệm của ông Chìa, vào ban đêm nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc sẽ "kêu cứu", từ đó ông biết chính xác vị trí của tên trộm.

“Có lúc tôi nghĩ mình phải đuổi đàn chim, cò này đi, nhưng lại nghĩ chúng gắn bó với vườn của mình, giờ nó ra ngoài bị người ta săn bắn tội nghiệp” – ông Chìa trải lòng.

Cò ốc - hay còn gọi là cò nhạn (bên trái) có tên khoa học là Anastomus Oscitans, thuộc họ diệc, bộ hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Ở Việt Nam, loài cò này chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh. Cò nhạn có trọng lượng khoảng 1 - 1,5kg, chim trưởng thành có chiều cao lên đến 50cm, chiều dài sải cánh khoảng 1m.

NGUYỄN TRI

Nguồn Báo Lao Động - Thăm vườn cò của lão nông 74 tuổi dành 2ha đất làm nhà cho chim | Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn

Thăm vườn cò của lão nông 74 tuổi dành 2ha đất làm nhà cho chim

Kỳ lạ, vườn cây bỏ hoang của lão nông miền Tây có hàng nghìn con cò quý hiếm

Trong vườn cây bỏ hoang của một lão nông miền Tây có khoảng 4.000 con cò nhạn quý hiếm, khoảng 2.000 con vạc và vô số loại chim, cò khác.

Kỳ lạ, vườn cây bỏ hoang của lão nông miền Tây có hàng nghìn con cò quý hiếm


Mỗi sáng sớm hay chiều tối, hàng nghìn con cò nhạn quý hiếm bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh huyên náo trong khu vườn rộng của ông Lê Văn Chìa (thường gọi Hai Chìa, 75 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Nhiều người chứng kiến đàn chim quý này, nhầm tưởng là chim nuôi của nhà ai, tuy nhiên đây hoàn toàn là vườn chim tự nhiên.

Nói về các loại chim trong khu vườn, ông Hai Chìa kể, cách đây khoảng 14 năm, một đàn vạc hàng trăm con bay đến đậu trong vườn nhà ông.

Ban đầu, ông nghĩ đàn vạc này chỉ trú tạm vài hôm. Tuy nhiên, chúng không đi hẳn mà bay về, làm tổ đẻ trứng ngày càng nhiều hơn.

Lúc này, ông Hai Chìa nghĩ có lẽ do 'đất lành chim đậu' nên quyết tâm bảo vệ đàn cò. “Mỗi ngày sáng sớm và chiều tối khu vườn của tôi rộn ràng hẳn lên. Đàn cò bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh phành phạch làm xôn xao cả vùng”, ông Hai Chìa cười nói.

Ông kể thêm, ban đầu, đàn cò làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn, măng cụt làm cây giảm năng suất. Sau đó, số lượng chim, cò về trú ngụ ngày càng nhiều làm vườn cây lụi tàn và đến nay 15 công vườn của ông bỏ hoang.

“Hồi đó, chim chưa về, thu hoạch từ vườn nhãn, măng cụt giúp tôi nuôi mấy đứa con ăn học. Từ lúc chim về gia đình tôi thất thu mỗi năm cả trăm triệu, nhưng đổi lại mình bảo vệ được đàn chim quý”, ông nói.

Ông Hai Chìa nói, từ Tết nguyên đán đến nay có hàng nghìn con cò nhạn hay còn gọi cò ốc quý hiếm bay về cư trú và làm tổ trong khu vườn bỏ hoang của ông.

“Lúc đầu chỉ một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, kín cả bầu trời”, ông Hai Chìa kể.

Theo lời ông Hai Chìa, hiện trong vườn của ông có khoảng 4.000 cò nhạn, khoảng 2.000 con vạc, khoảng 1.000 cồng cọc, số còn lại là cò trắng, bìm bịp, quốc...

Do có nhiều người thường xuyên lẻn vào vườn bắn cò trưởng thành và hốt ổ trứng... nên ngày đêm ông Hai Chìa phải đi tuần tra bảo vệ.

“Chạng vạng tối nào cũng vậy, tôi ôm võng, mùng mền ra vườn nằm canh đuổi trộm cò”, ông Hai Chìa nói.

Ông cũng làm nhiều bẫy trong vườn, khi trộm vào vướng bẫy sẽ phát ra tiếng động để chim bay đi hoặc ông nghe, kịp thời chạy ra ứng cứu.

Bà Lê Thị Thôi (73 tuổi, vợ Hai Chìa) kể: “Nhà chỉ có hai vợ chồng già sinh sống, mà tối nào ổng cũng ra vườn canh trộm để lại mình tôi. Vừa rồi, vợ chồng tôi đi điều trị bệnh ở Cần Thơ, người ta lợi dụng vô bắt trộm cò nhiều lắm”, bà kể.

Ông Hai Chìa cho biết thêm, nhiều lần ông bắt được kẻ gian lẻn vào bắn cò trưởng thành và bắt trộm cò con.

Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ cho biết, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, trong đó có lực lượng công an thường xuyên theo dõi và hỗ trợ ông Hai Chìa bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm trước nạn săn bắt trộm.

UBND xã cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương biết, cò nhạn trong vườn ông Hai Chìa là loại quý hiếm, nằm trong sách đỏ và cấm săn bắt trái phép.

Loài cò nhạn có tên khoa học là Anastomus oscitans, là một loài chim thuộc họ Hạc.

Đây là động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam bộ và Tây Ninh.

Cò nhạn chủ yếu có màu trắng, đôi cánh màu đen bóng, đuôi có ánh lục hay tía, mỏ xám sừng hơi lục, chân hồng, vàng nhạt hay nâu nhạt.

Vườn chim Vĩnh Long có nguy cơ bị xóa sổ vì nạn săn bắt trộm

Vườn chim Vĩnh Long có nguy cơ bị xóa sổ vì nạn săn bắt trộm - Xã hội - ZINGNEWS.VN